Thầy giáo, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn

Người mang “ánh sáng” đến Mù Cả

Thứ Năm 9:04 14/11/2019

ĐBP - Ðã hơn 60 năm trôi qua nhưng những hình ảnh về một “người thầy vĩ đại” vẫn in đậm trong ký ức người dân Mù Cả (xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Ðó là thầy giáo Nguyễn Văn Bôn, người đầu tiên đem cái chữ và “ánh sáng văn hóa” đến với đồng bào dân tộc Hà Nhì ở Mù Cả, nơi xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu khi đó. Từ một xã không ai biết chữ và tiếng phổ thông, chỉ trong gần 5 năm, Mù Cả đã giành lá cờ đầu trong phong trào phổ cập giáo dục tiểu học và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Với những thành tích ấy, năm 1962, thầy giáo Nguyễn Văn Bôn vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong ngành Giáo dục.

Thầy Nguyễn Văn Bôn (ngoài cùng bên phải) thăm lại Mù Cả.

Từ hơn 15 năm trước, khi lần đầu tiên đến Mường Tè tôi đã được nghe người dân kể nhiều câu chuyện cảm động về thầy giáo Nguyễn Văn Bôn mặc dù ông đã chuyển về xuôi từ nhiều năm trước. Ðặc biệt khi đến xã Mù Cả được tận mắt nhìn “ngọn núi ông Bôn” và uống nước đầu nguồn trên dòng “Suối thầy giáo”. Ðó là những cái tên mà người dân đã đặt cho ngọn núi, dòng suối để mãi ghi nhớ công ơn của người thầy đã đem ánh sáng văn hóa đến với đồng bào nơi đây.

Trong nhiều chuyến công tác tôi cũng có may mắn được đi cùng với ông Lỳ Khai Phà, người con của dân tộc Hà Nhì ở Mù Cả khi đó đang giữ cương vị Chủ tịch HÐND tỉnh, Trưởng đoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu. Qua những câu chuyện ông Phà kể, tôi có thể cảm nhận được tấm gương của thầy giáo Nguyễn Văn Bôn đã có ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp của ông. Mặc dù không là học trò của thầy Bôn, thế nhưng ông luôn nhắc đến thầy Bôn như thầy của mình trong những câu chuyện kể.

Năm 1959, theo tiếng gọi của Ðảng, thầy Nguyễn Văn Bôn đã xung phong lên dạy học ở Tây Bắc và cái duyên đã đưa thầy đến với Mù Cả, một xã xa xôi và khó khăn nhất tỉnh Lai Châu. Toàn xã khi ấy chỉ khoảng gần 100 hộ dân sống rải rác ở 11 điểm bản. Tất cả cán bộ xã và người dân không ai biết tiếng phổ thông, trước thực tế đó, xã đã phải thuê một người dân tộc Thái biết cả tiếng Hà Nhì và tiếng Kinh để làm phiên dịch cho thầy giáo, đó cũng là thời gian để thầy Bôn học và nói thành thạo tiếng Hà Nhì.

Sau một thời gian ngắn tìm hiểu và thống kê được khoảng trên 40 em trong độ tuổi đến trường, thầy Bôn đã tổ chức họp bàn với cán bộ xã và những người có uy tín ở các bản và đi đến thống nhất quyết định xây dựng trường bán trú. Sau đó ông đã tự tay đi chặt gỗ, chặt tre, nứa và cùng sự chung sức của người dân, chỉ trong một thời gian ngắn “ngôi trường” tranh tre, nứa lá đã nhanh chóng được dựng lên với đầy đủ bàn ghế cho các em học sinh đến lớp. Khi đó người dân đã gọi ngôi trường này là “trường ông Bôn” và yên tâm cho con em mình đến để ông Bôn dạy chữ. Ðây cũng là công trình công cộng đầu tiên được xây dựng ở Mù Cả, trong khi UBND xã cũng chưa có trụ sở làm việc.

Ðối diện với bao khó khăn, thiếu thốn nhưng thầy giáo và học sinh đều tìm cách khắc phục, từ việc viết chữ lên cổ tay, lên tàu lá, lên nền đất... đến việc thầy trò cùng nhau đi bắt cá để cải thiện bữa ăn bán trú. Chẳng bao lâu sau, việc học chữ đã trở thành phong trào trong bản, trong xã. Có nhiều trường hợp, học sinh về nhà dạy lại chữ mình học được cho bố, mẹ. Nắm bắt được điều ấy, thầy Bôn lại bàn với cán bộ xã thống nhất việc cử mỗi bản 2 - 3 người lớn đi học chữ vào buổi tối để về dạy lại cho những người khác trong bản, trong đó có cả cán bộ xã cũng xung phong đi học. Chỉ trong vòng 2 tháng, những người lớn tham gia lớp này đã học hết chữ vỡ lòng và về bản tiếp tục “xóa mù” cho những người khác. Thời điểm đó, trên lưng trâu, trên vách đá, vách nhà… đâu đâu cũng có chữ.

Ngoài việc dạy chữ cho người dân, thầy Bôn còn dạy người dân trồng ngô, trồng sắn, cải tạo đất trồng lúa để nâng cao năng suất. Bản thân ông cùng với học trò khai hoang đất ruộng để trồng lúa, trồng sắn tự bảo đảm bữa ăn hàng ngày. Dần dần, thóc lúa ăn không hết ông lại bán đi để mua được một chiếc đài (radio) cho cả trường cùng nghe, rồi mua đèn chiếu sáng, mua trâu, bò để chăn nuôi.. Như vậy không chỉ làm thầy giáo mà ông Bôn còn trở thành một tấm gương làm kinh tế để người dân học theo, làm theo. Bên cạnh đó, thầy Bôn còn vận động người dân kiên quyết xóa bỏ các hủ tục, như hôn nhân cận huyết thống và nhiều hủ tục khác. Mặc dù đã rời mảnh đất Mù Cả nhiều năm nhưng tên tuổi và sự đóng góp của ông cho mảnh đất này vẫn mãi được người dân ghi nhớ. Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn cũng đã nhiều lần trở lại mảnh đất này để chứng kiến sự đổi thay của đời sống người dân cũng như sự phát triển của nền giáo dục mà ông đã đặt nền móng.

Trở lại câu chuyện với ông Lỳ Khai Phà, cũng giống như mỗi người dân Mù Cả, ông luôn kể về thầy giáo, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn bằng tất cả sự tôn trọng và biết ơn đối với sự hy sinh, cống hiến mà thầy Bôn đã dành cho quê hương mình. Trong sự nghiệp của mình, ông Lỳ Khai Phà cũng đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ con người đáng kính ấy. Ông đã từng có nhiều năm công tác và cống hiến cho ngành Giáo dục tỉnh Lai Châu cũ (nay là Ðiện Biên và Lai Châu). Trong đó, từ năm 1972 - 1977 ông làm giáo viên Trường sư phạm Cấp 1 Lai Châu, sau đó làm Hiệu trưởng Trường phổ thông vùng cao (nay là Trường PTDT Nội trú tỉnh) rồi lên làm Phó Ty giáo dục sau (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo) đó mới chuyển sang công tác ở các vị trí khác theo sự phân công của Ðảng và Nhà nước.

Hiện nay đã ở tuổi ngoài 70 và sinh sống cùng con cháu tại TP. Ðiện Biên Phủ nhưng hàng năm khi có cơ hội ông Lỳ Khai Phà vẫn trở về quê hương Mù Cả để cùng người dân Hà Nhì ôn lại những câu chuyện cũ về người thầy giáo anh hùng. Ông cũng đã phát động nhiều chương trình từ thiện ý nghĩa cho quê hương để động viên các thế hệ giáo viên, học sinh hôm nay tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước và giữ trọn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Chia tay ông Lỳ Khai Phà tại căn phòng nhỏ ở phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ vào những ngày đầu tháng 11. Trong không khí cả nước đang hân hoan chuẩn bị kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, ông Phà nói: Mấy ngày nữa Sở Giáo dục và Ðào tạo có tổ chức gặp mặt và tri ân những nhà giáo từ miền xuôi lên Ðiện Biên, Lai Châu công tác, thầy Bôn cũng sẽ lên dự nên nhất định bác sẽ đi để được gặp lại thầy!