Cô giáo Giàng Thị Vang

Dẫu khó khăn cũng không thay đổi

Thứ Năm 8:15 20/02/2020

ĐBP - Chúng tôi đến Tỏa Tình - xã vùng cao quanh năm mây phủ của huyện Tuần Giáo vào những ngày đầu xuân. Nơi ấy, những con đường quanh co nép vào lưng núi trong mờ ảo sương mù; những đứa trẻ nhỏ thó ngày ngày cần mẫn đến trường; và đặc biệt, có những nhà giáo tâm huyết, kiên cường với sự nghiệp giáo dục vùng cao. Cô giáo Giàng Thị Vang, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Tỏa Tình là một trong những người như thế!

Cô Giàng Thị Vang, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Tỏa Tình bên những em bé vùng cao.

Khó đến đâu cũng làm cô giáo

Cô Giàng Thị Vang sinh ra, lớn lên ở TX. Mường Lay (trước là TX. Lai Châu); rồi xây dựng gia đình, theo chồng về sinh sống ở bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo). Năm 1989, thấy rõ những thiệt thòi cực nhọc của trẻ em, phụ nữ vùng cao; nên chỉ sau khi sinh con chưa đầy 3 tháng, cô Vang thuyết phục chồng để mình bế con về Mường Lay học lớp sơ cấp mầm non. Học xong rồi, nhưng vì chưa có trường, có lớp nên phải chờ đến năm 1994 cô Giàng Thị Vang mới thực hiện được ước mong làm cô giáo của mình; dẫu trong điều kiện vô cùng khó khăn, trắc trở.

Cô Giàng Thị Vang chia sẻ: Khi đó Pú Nhung là xã vùng cao đầu tiên của huyện được mở lớp mẫu giáo. Nhận thông báo của xã về việc lên làm hồ sơ, chồng tôi không đồng ý. Nguyên nhân thì nhiều lắm: Từ nhà đến xã Pú Nhung gần 25km, đường xa, khó đi; trong khi 2 đứa con còn nhỏ, xe cộ thì không có, làm sao đến trường dạy học được đây. Ðắn đo nhiều, lo cho gia đình, xót con nhỏ... nhưng tôi nghĩ, nếu cứ chờ gần nhà mới làm thì biết đến bao giờ...

Sau khi thuyết phục được chồng, ba mẹ con cô giáo Giàng Thị Vang tay xách nách mang đi bộ đến trường. Khó khăn vất vả không gì kể hết. Một mình với gần 40 học sinh từ 3 - 5 tuổi; lớp học tạm bợ mưa dột, gió lùa. Vì chỉ có 1 lớp, mọi việc cô Vang đều phải tự lo, dạy ra sao, dạy từ đâu, bằng cách nào? Thậm chí, cô Vang kiêm luôn cả y tá, cấp dưỡng, làm mẹ của những đứa trẻ vùng cao. Nhiều hôm gần trưa học sinh lả đi vì đói. Hỏi ra mới biết, đêm trước bố mẹ đi nương về muộn không kịp cho ăn, sáng sớm lại vội, nên đã để con bỏ bữa. Cô Vang lại đi tìm cơm nguội hoặc mua mì, mua bánh cho học trò ăn...

Thời gian đầu, mỗi tuần một lần, 3 mẹ con (đứa nhỏ trên lưng, đứa lớn dắt tay) đi bộ về nhà vào chiều thứ 7. Thương vợ, vụ đỗ tương năm ấy chồng cô bán hết được 700.000 đồng mua cho cái xe đạp Phượng Hoàng để đi về. Nắng ráo thì đỡ, nhưng mưa xuống thì thêm chiếc xe là thêm nhọc. Nhiều hôm đến giữa đường trời mưa, đất bùn nhão nhoét, đi không được về chẳng xong thế là cả 3 mẹ con cùng khóc. Có lần 2 mẹ con cùng ngã; may mắn đứa bé trên lưng không sao, nhưng đầu gối cô thì rách dài, máu chảy đẫm xuống cả bàn chân. Cô Vang phải nghỉ hơn một tuần mới có thể trở lại trường. Mỗi lần dầm mưa, ngã đau, con ốm, gia đình lại khuyên về làm nương cho đỡ khổ, nhưng cô Vang không chịu: “Khó khăn mấy cũng làm cô giáo. Ðời mình đã khổ lắm rồi, phải cố để con cháu mình sau này có thể thoát ly, đỡ khổ hơn...”.

Trường Mầm non Tỏa Tình - ngôi trường cô giáo Giàng Thị Vang, Phó hiệu trưởng nhà trường đã có 11 năm công tác, từ ngày đầu thành lập.

Có duyên với chữ “đầu tiên”

Ðến nay, cô Giàng Thị Vang đã có 26 năm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. Cô Vang nói vui là, mình có duyên với từ “đầu tiên”. Dẫu duyên ấy có đi cùng khó khăn, vất vả, thiệt thòi đi nữa, thì nếu được chọn lại mình vẫn không thay đổi. Là cô giáo mầm non đầu tiên ở xã vùng cao huyện Tuần Giáo; cô Giàng Thị Vang đã gây dựng từ con số 0 (không đất, không lớp học, không bàn ghế và không có cả học sinh). Cô Vang đã bắt đầu nghề giáo của mình từ việc gặp chính quyền xã, bản để xin đất dựng trường, vận động nhân dân hỗ trợ tranh, tre, nứa, lá; hỗ trợ công dựng phòng học tạm.

Có lớp học, cô Vang đến từng nhà vận động cho trẻ đến trường. Nhưng đây là việc rất khó khăn, vì ai cũng nói “Chúng còn nhỏ thế thì biết gì mà học. Ðể chúng ở nhà tự chăm nhau”. Kiên trì tuyên truyền thuyết phục, cố gắng sưu tầm, học hỏi, tự làm đồ dùng dạy học... vì thế học sinh ngày một nhiều lên; có lúc lên đến 40 - 45 học sinh. Lớp học đông hơn, bàn ghế không đủ, cô Vang vận động phụ huynh tự đóng cho con mình chiếc ghế nhỏ để mang đi. Cứ như thế, cô giáo mầm non đầu tiên đã đặt nền móng cho ngôi trường mầm non Pú Nhung sau này, ngày một khang trang, sạch đẹp...

Ông Mai Ngọc Thuyết, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tuần Giáo:

“Cô Giàng Thị Vang là giáo viên gương mẫu, tâm huyết với nghề. Gần 30 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn cô Vang luôn gắn bó với bản làng, với học sinh vùng cao Tuần Giáo...”.

Năm 2008, Trường Mầm non Pú Nhung chính thức được thành lập trên cơ sở tách ra từ Trường Tiểu học Pú Nhung. Ðó cũng là năm cô giáo Giàng Thị Vang, như một cái duyên đã được chuyển về công tác ở xã Tỏa Tình. Thời điểm đó, Trường Mẫu giáo Tỏa Tình (nay là Trường Mầm non Tỏa Tình) vừa được tách ra từ Trường THCS Tỏa Tình. Với vai trò là Phó hiệu trưởng nhà trường, lại là người địa phương, cô Vang một lần nữa dốc sức tuyên truyền, vận động hiến đất dựng trường lớp học mầm non; vận động bà con góp công, vật liệu để làm lớp học; rồi tuyên truyền vận động để trẻ đến trường nhiều hơn, đều hơn... Lúc đầu chỉ là 1 gian nhà tranh, sau tăng dần lên 2 - 3 rồi 4 phòng tạm cả phòng công vụ. Ðến năm 2015, trên nền đất ấy, Trường Mầm non Tỏa Tình đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp theo tiêu chuẩn trường chuẩn có diện tích 3.630m2. Trường có 8 phòng học, 1 phòng âm nhạc, 1 phòng máy tính và 5 gian nhà hiệu bộ được trang bị đầy đủ đồ dùng đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc của nhà trường...

Bà Nguyễn Hương Diễm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo:

Cô Giàng Thị Vang là thế hệ giáo viên đầu tiên của Trường. Tận tình, tâm huyết với nghề, có nhiều năm kinh nghiệm, lại là người địa phương. Cô Vang đã góp phần quan trọng để Trường Mầm non Tỏa Tình đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận như ngày hôm nay...”.

Hôm nay các con của cô giáo Vang đã trưởng thành, công việc ổn định; cô đã có cháu nội, ngoại đề huề. Học trò của cô, đúng như mong muốn ngày nào nhiều em đã đi thoát ly, có việc làm ổn định, cuộc sống không còn khó khăn như cô ngày trước. Ðồng ý cho chúng tôi xem chồng giấy khen, bằng khen, chứng nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở của mình, nhưng cô Vang nói, vui nhất vẫn là khi thấy học sinh của mình lớn khôn, hạnh phúc; 2 ngôi trường mình gắn bó ngày một khang trang hơn, to đẹp hơn...

Còn chúng tôi, sau những chia sẻ của cô lại không biết phải nói lên cảm nhận của mình thế nào cho đúng. Cô giáo vùng cao Giàng Thị Vang mà chúng tôi biết, kiên cường tâm huyết suốt năm tháng tuổi trẻ vì giáo dục vùng cao; nay vẫn chân chất, mộc mạc khi nói về mình, tươi vui, hiền hậu trong những giờ lên lớp. Chợt nhớ đến những thân cây mộc mạc, kiên cường trong bão gió, mỗi mùa về vẫn tỏa hương kết trái cho đời. Chắc hẳn trong trái tim những thế hệ học trò vùng cao, cô giáo đẹp trong lành vì thế?!