Hiệu quả chương trình giáo dục STEM ở Trường THCS Noong Hẹt

Thứ Ba 10:07 12/05/2020

ĐBP - Chương trình giáo dục STEM (quá trình tích hợp kiến thức giữa các môn khoa học, kỹ thuật, toán học, công nghệ) từng rất xa vời với học sinh vùng cao, bởi người ta thường nghĩ rằng hoạt động giáo dục STEM sẽ chỉ có thể áp dụng tại những thành phố lớn. Thế nhưng tại Trường THCS Noong Hẹt (huyện Điện Biên), qua một thời gian thực hiện thì phương pháp giảng dạy mới này đã bước đầu phát huy hiệu quả trong giảng dạy và được học sinh đón nhận.

Em Bùi Hồng Anh và Vũ Quỳnh Trang với mô hình “Ngôi nhà chữa cháy thông minh”. Ảnh: C.T.V

Năm học 2019 - 2020, Trường THCS Noong Hẹt có 576 học sinh thì có khoảng một nửa học sinh là người dân tộc Thái. Đa phần học sinh nhà trường đều nhút nhát, thiếu tự tin và kỹ năng giao tiếp. Đó là những rào cản không nhỏ trong quá trình áp dụng chương trình giáo dục STEM ở đây. Cô giáo Lương Thị Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Noong Hẹt cho biết: “Để áp dụng được phương pháp giáo dục STEM, trường xác định làm dần từng bước. Sau khi được tham gia tập huấn ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường đã tổ chức tập huấn, triển khai chương trình để giáo viên biết nắm được hoạt động giáo dục STEM. Ban đầu, trường triển khai ở hình thức trải nghiệm sáng tạo và giao cho các thầy, cô giáo bộ môn khoa học tự nhiên, gồm: Toán, khoa học tự nhiên, công nghệ nghiên cứu một số chủ đề, trong đó có chủ đề “làm bóng đèn ngủ từ củ, quả”. Chủ đề này nhằm đánh giá mức độ nhận thức, khả năng sáng tạo của học sinh để tiếp tục triển khai, vận dụng và đã thành công với hoạt động trải nghiệm đó”.

Ngay từ hoạt động trải nghiệm đầu tiên này, học sinh của 3/6 lớp 9 đã rất hứng thú vì được trực tiếp thực hành, trải nghiệm, sáng tạo. Khi học sinh bắt tay vào thực hành, giáo viên là người theo dõi, nhận xét, đánh giá xem các em đã làm được những gì. Sau đó, tìm ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình làm rồi yêu cầu học sinh tự mày mò, tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp khắc phục tồn tại đó cho đến khi hoàn thành sản phẩm. Cũng từ những ý tưởng ban đầu, nhiều học sinh đã sáng tạo thêm nhiều chi tiết, hoa văn để trang trí đèn ngủ tự chế của mình thêm bắt mắt.

Ngoài hoạt động chế tạo đèn ngủ, ở môn vật lý, 2 em Bùi Hồng Anh và Vũ Quỳnh Trang, học sinh lớp 9D1 còn thực hiện thành công Dự án “Ngôi nhà chữa cháy thông minh”. Đây là ý tưởng xuất phát từ thực tiễn cuộc sống kết hợp với những kiến thức được học trên lớp, 2 em đã cùng nhau xây dựng nên dự án với mong muốn thiết kế, lắp ráp được ngôi nhà chữa cháy thông minh. Dự án này đã đoạt giải tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp huyện. Chia sẻ về ý tưởng của mình, em Vũ Quỳnh Trang cho biết: “Ý tưởng của chúng em xuất phát từ thực tế có rất nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra gây thiệt hại tính mạng, tài sản và để lại nhiều hậu quả nặng nề cho các gia đình, hộ kinh doanh. Từ đó, chúng em đã nghiên cứu và xây dựng dự án “Ngôi nhà chữa cháy thông minh” để khi có hỏa hoạn xảy ra thì đám cháy sẽ được dập tắt kịp thời, không để cháy lan và công việc chữa cháy phải được tự động hóa. Với ý tưởng này, ngoài việc tham khảo trên mạng internet, chúng em còn tham khảo ý kiến của các thầy cô giáo và đã được các thầy cô ủng hộ, gợi ý và hướng dẫn tận tình để giúp chúng em tìm ra những nhược điểm, hạn chế của sản phẩm rồi dần hoàn thiện dự án”.

Được biết, để phương pháp này tiếp tục phát huy hiệu quả và được nhân rộng tại các lớp, ngay trong kỳ II của năm học này, trường đã giao cho các tổ chuyên môn tổ chức thảo luận, lựa chọn chủ đề, khi lựa chọn được chủ đề chính thì nhà trường sẽ đưa vào giảng dạy chính khóa. Từ những thực tế trên có thể thấy rằng, việc áp dụng phương pháp giáo dục STEM vào dạy học là hết sức thiết thực và hiệu quả. Phương pháp giáo dục này không chỉ định hướng, giáo dục học sinh một cách toàn diện mà còn giúp các em phát triển được năng lực, phẩm chất của bản thân. Đặc biệt, với những học sinh nhút nhát nhất cũng hăng hái tham gia, bởi với mỗi sản phẩm tạo ra, học sinh đều phải thảo luận, đóng góp ý tưởng và tự thuyết minh trước lớp. Từ đó, các em đã dần áp dụng rất tốt những kiến thức được học và cảm thấy yêu thích, tích cực tham gia những hoạt động như vậy. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục STEM này còn giúp việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 của trường sẽ thuận lợi hơn.