Làm thế nào để đảm bảo chất lượng khi học sinh lớp 1 phải học trực tuyến?

Thứ Sáu 10:24 04/09/2020

Khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, dạy học trực tuyến được xem là lựa chọn tối ưu bởi đạt được mục tiêu “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Tuy nhiên, một vấn đề được dư luận xã hội và đông đảo phụ huynh rất quan tâm trong giai đoạn hiện nay là nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng tại nhiều địa phương thì có tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1?

Việc dạy học trực tuyến đối với lớp 1 nếu vẫn tổ chức trong điều kiện bất khả kháng thì cần phải làm gì để đảm bảo chất lượng khi năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo kho mới đối với bậc học này.

Tại buổi giao lưu trực tuyến về dạy học trực tuyến, thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội cho biết: Với học sinh lớp 1, việc học trực tuyến quả thật là một vấn đề rất khó khăn. Dạy học trực tiếp vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng, phải học trực tuyến thì cần có sự phối hợp giữa giáo viên và cha mẹ học sinh trong nhiều khâu. Từ việc kết nối thiết bị phù hợp, hướng dẫn ban đầu cho học sinh.

Tiếp đến là lựa chọn thời lượng, nội dung, phương pháp cho phù hợp với đối tượng học sinh còn rất nhỏ. Từ kinh nghiệm rút ra sau quá trình dạy học trực tuyến của nhà trường trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, thầy Cường cho rằng: Với học sinh lớp 1, việc kết hợp các trò chơi khi thực hiện dạy học trực tuyến sẽ mang lại nhiều hứng thú. Việc làm này cần từng bước để các em làm quen, không bị quá tải. Tránh trường hợp dạy học là nhiệm vụ phải hoàn thành của giáo viên mà không quan tâm đến lộ trình của học sinh và tính hiệu quả của việc thực hiện.

Đây là những khâu quan trọng của dạy học trực tuyến.  “Ở trường chúng tôi, từ điểm danh, kiểm tra bài cũ, bài mới... các thầy cô sử dụng những công cụ dưới dạng trò chơi rất hiệu quả. Học sinh rất thích thú và hào hứng. Việc khen thưởng để động viên học sinh trong quá trình dạy học cũng được các thầy cô thực hiện khá kịp thời.

Cần tăng cường sự phối hợp giữa giáo viên và cha mẹ học sinh trong dạy học trực tuyến. (Ảnh minh họa)

Ngoài việc các lớp sẽ khen thưởng, động viên, nhà trường cũng có các hình thức động viên, khen thưởng để tôn vinh học sinh. Cha mẹ học sinh ban đầu còn e ngại không biết hiệu quả của việc học trực tuyến sẽ thế nào. Nhưng sau một thời gian, bằng chính sự nhiệt tình, tâm huyết, chuyên nghiệp của các thầy cô giáo, hầu hết cha mẹ học sinh đều rất an tâm và phấn khởi; đồng hành cùng nhà trường trong dạy, học trực tuyến” - thầy Cường chia sẻ.

Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận: Với học sinh lớp 1, dạy học trực tuyến mang lại hiệu quả không cao. Trong trường hợp buộc phải dạy học trực tuyến, chắc chắn phải có sự phối hợp, hỗ trợ của cha mẹ học sinh, từ lựa chọn thiết bị, phối hợp thời gian, kết nối...

Bên cạnh đó, phương pháp dạy học của giáo viên cũng vô cùng quan trọng. Cần có những thiết kế bài giảng đơn giản, học mà chơi, chơi mà học, nhẹ nhàng, vừa sức, vừa thời lượng... Các bước thực hiện cần thực hiện công phu, tỉ mỉ, từng bước để học sinh làm quen, hứng thú.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo khách quan, công bằng trong đánh giá học sinh khi học-thi online là khá khó khăn. Thực tế khi kiểm tra 1-1 giữa giáo viên và học sinh cũng đã khó tránh khỏi sự gian lận, thiếu công bằng. Trong khi đó, việc học - kiểm tra - thi online, giáo viên không thể giám sát trực tiếp thì việc gian lận là hoàn toàn có thể xảy ra, trừ khi có giải pháp về CNTT tối ưu.

Về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam cho rằng: Theo dự thảo Thông tư về dạy học trực tuyến, việc đánh giá định kì vẫn phải thực hiện tại cơ sở giáo dục, còn đánh giá thường xuyên có thể thực hiện trong quá trình dạy trực tuyến; xét và công nhận kết quả học trực tuyến được thực hiện như học trực tiếp. Trên thực tế, giáo viên có thể phối hợp nhiều cách đánh giá khác nhau với sự hỗ trợ của công nghệ như sử dụng camera giám sát, ghi logfile... để đảm bảo việc đánh giá được chính xác, công bằng, khách quan.

Liên quan đến việc sử dụng các phần mềm nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên trong quá trình dạy học trực tuyến, ông Nam cho biết: Bộ TT&TT đã có văn bản khuyến cáo không nên sử dụng phần mềm Zoom trong các cơ quan hành chính nhà nước vì có lỗi về bảo mật, các nhà trường cân nhắc cẩn thận khi sử dụng để học trực tuyến.

Hiện có rất nhiều ứng dụng có thể thay thế Zoom, cả trong nước và nước ngoài, có phí và mất phí (Microsoft Teams, Hangout meet, Amazon, Jitsi..), tùy vào nhu cầu sử dụng của từng trường sẽ lựa chọn các phần mềm phù hợp. Sẽ là vi phạm luật cạnh tranh nếu quy định chỉ được dùng 1 phần mềm của 1 hãng cụ thể. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ TT&TT khuyến cáo 1 danh sách các ứng dụng học trực tuyến để các trường lựa chọn nhằm đảm bảo an toàn.