Bước tiến mới của khoa học và công nghệ Việt Nam

Thứ Ba 0:00 16/02/2016
Sau nhiều năm đứng “ổn định” ở vị trí thấp trên bảng xếp hạng Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu (GII), năm 2015, Việt Nam đã có bước tiến vượt trội, đứng thứ 52/141 quốc gia, nền kinh tế. Qua đó đã cho thấy, trình độ phát triển khoa học và công nghệ (KH và CN) của đất nước đã có những thay đổi tích cực về thể chế, từng bước đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất.

GII được Viện Quản trị kinh doanh châu Âu (INSEAD), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Đại học Cornell (Hoa Kỳ) công bố hằng năm, xác định trình độ KH và CN của các quốc gia và nhấn mạnh vai trò của ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội. GII được xây dựng dựa trên hai nhóm tiểu chỉ số đầu vào và đầu ra, bao gồm hơn 80 thông số từ thể chế, nhân lực, hạ tầng, thị trường, môi trường kinh doanh; các chỉ số đầu ra công nghệ và tri thức; kết quả sáng tạo… Giá trị mỗi thông số được các chuyên gia định giá theo thang điểm chung, lấy trung bình để đạt được tổng điểm số của GII. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận định, chỉ số GII không chỉ đơn thuần phản ánh năng lực KH và CN của mỗi quốc gia, nền kinh tế mà nó còn phản ánh tổng quát về năng lực kinh tế-xã hội tại các quốc gia, nền kinh tế. GII đã cho thấy, trong mười quốc gia, nền kinh tế đứng đầu cũng chính là mười quốc gia, nền kinh tế có thu nhập theo đầu người cao nhất. Theo Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân, GII năm 2015 đã ghi nhận sự nỗ lực của Việt Nam kể khi có Luật KH và CN vào năm 2013, có hiệu lực từ đầu năm 2014 và đến năm 2015 Luật KH và CN đi vào cuộc sống. Ngoài ra, hàng loạt cơ chế, chính sách, bồi dưỡng nguồn nhân lực đã đem lại sức sống mới cho KH và CN Việt Nam. Công bố quốc tế năm 2014 của Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 2.600 bài báo quốc tế; số lượng sáng chế, đăng ký bảo hộ tăng; một số sản phẩm KH và CN của Việt Nam đứng ở vị trí hàng đầu trong khu vực và quốc tế… Kết quả này đã phần nào thể hiện nỗ lực của Bộ KH và CN trong việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển hóa các thành tựu KH và CN ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường KH và CN. Chính vì vậy, năm 2013 GII xếp hạng Việt Nam đứng thứ 76; năm 2014 đứng thứ 71, đến năm 2015 đã đứng thứ 52, vượt 19 bậc và được xếp vào nhóm “thành đạt” trong 141 quốc gia, nền kinh tế.

Đánh giá của nhiều nhà khoa học cho thấy, các tiểu chỉ số đầu vào của Việt Nam vẫn bị GII xếp hạng thấp, chính là do nhiều văn bản, chính sách của Nhà nước chưa đạt được hiệu quả và mục tiêu như mong đợi. Các doanh nghiệp KH và CN khi khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn; chưa tạo được cơ chế, chính sách thu hút nguồn đầu tư từ doanh nghiệp; tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển so với GDP của Việt Nam còn thấp; sự gắn kết doanh nghiệp với các tổ chức KH và CN còn yếu. Nhất là chưa có vốn đầu tư mạo hiểm, được coi là nguồn lực trọng yếu cho thương mại hóa công nghệ và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu một thị trường cạnh tranh lành mạnh để thúc đẩy ĐMST. Về lâu dài, nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ các tiểu chỉ số đầu vào và phát huy các tiểu chỉ số đầu ra thì thứ hạng của Việt Nam sẽ không giữ được vị trí như hiện nay.

TS Nguyễn Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH và CN cho rằng, để cải thiện vị trí của các tiểu chỉ số đầu vào, cần tập trung cải thiện các điều kiện về thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho các sản phẩm ĐMST. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý KH và CN, tăng cường hiệu quả và chất lượng hoạt động của các trường đại học và viện nghiên cứu. Mặt khác, cần huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho KH và CN, nhất là đầu tư của doanh nghiệp cho KH và CN. Tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh; phát triển thị trường vốn đầu tư mạo hiểm; cam kết đầu tư cho KH và CN không dưới 2% tổng chi ngân sách và bảo đảm gia tăng đầu tư cho KH và CN nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đối với các tiểu chỉ số đầu ra, cần phát triển số lượng các doanh nghiệp KH và CN mới hằng năm; gia tăng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao. Nhất là việc chuyển hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước thành các sản phẩm, thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển KH và CN Việt Nam đến năm 2020.

Các chuyên gia cho rằng, việc có được thứ hạng tốt và ổn định trong bảng xếp hạng của GII đã cho thấy sự tăng trưởng của Việt Nam đang dựa vào ĐMST chứ không phải là từ nhân công giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên như các năm trước. Đây là một chỉ báo cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của đất nước. Để giữ vững và phát huy được thứ hạng của GII, không chỉ là trách nhiệm của Bộ KH và CN mà còn là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, hàng loạt các vấn đề về cải thiện cơ chế, chính sách, chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế; cải thiện môi trường kinh doanh và cạnh tranh ở Việt Nam… cần sự phối hợp chặt chẽ và cộng tác giữa các ngành, các cấp có liên quan.