Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Mường Ảng

Nhân giống thành công cây giổi găng

Thứ Năm 15:18 09/06/2016
ĐBP - Nhận thấy giá trị kinh tế của cây giổi găng, tháng 9/2015, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Mường Ảng đã nghiên cứu và triển khai nhân giống loại cây này, bước đầu đã thành công với tỷ lệ nảy mầm cao, cây giổi găng giống sinh trưởng, phát triển tốt.
Anh Nguyễn Trọng Kính, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Mường Ảng cho biết: Giổi găng là loài cây gỗ quý có giá trị cao về mặt kinh tế bởi mùi thơm đặc trưng, thớ gỗ vàng, mịn, đẹp, bền, không bị mối mọt, cong vênh nên thường sử dụng đóng đồ dùng gia đình, mỹ nghệ… với giá dao động từ 12-15 triệu đồng/m3. Hiện nay, lượng gỗ giổi trong tự nhiên khan hiếm nên loại gỗ này trở thành gỗ quý hiếm, nằm trong sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ.

 

Người dân địa phương chọn mua cây giổi giống.

Theo Sách Lâm nghiệp học, cây giổi găng là loài cây gỗ quý thuộc nhóm II, có biên độ sinh thái rộng, thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở khu vực đồi núi nước ta, bởi loại cây này có sức đề kháng rất tốt, có thể sinh trưởng tốt trên cả những vùng đất khô cằn, độ ẩm thấp. So với một số cây lâm nghiệp khác (keo, mỡ…) thì cây giổi găng ít sâu bệnh hơn, không mắc phải một số bệnh hại phổ biến, như: nở cổ rễ, đốm lá, phấn trắng, sâu ăn lá… Mặt khác, dưới tán giổi găng, người dân có thể trồng chè, cà phê và các loại nông sản khác. Vì những lẽ đó mà người dân các tỉnh miền núi phía Bắc rất ưa thích trồng và nhân rộng diện tích giổi găng. Tuy nhiên, việc nhân giống cây giổi găng không hề dễ dàng, bởi nếu áp dụng không đúng kỹ thuật thì hạt giổi sẽ không thể nảy mầm được. Mặc dù cây giổi là cây bản địa, song phải qua một thời gian dài tìm hiểu sách, báo, mạng internet và nhiều lần nhân giống thử nghiệm, đến nay Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Mường Ảng mới nhân giống thành công loại cây có giá trị kinh tế cao này.

Trước đây, trên địa bàn tỉnh ta có một số đơn vị đã nhân giống giổi găng, nhưng kết quả là hạt giổi không nảy mầm hay nảy mầm nhưng không đồng đều, trong đó có Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Anh. Anh Nguyễn Văn Tứ, nhân viên kỹ thuật Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Anh cho biết: Trên địa bàn huyện Mường Ảng, cây giổi găng mọc tự nhiên nhiều nhất ở diện tích rừng thuộc các xã: Mường Đăng và Ngối Cáy. Người dân địa phương đã nhận thấy lợi ích kinh tế của loại cây này nên muốn mua giống cây để trồng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ta chưa có đơn vị nào ươm mầm thành công. Phục vụ nhu cầu mua cây giống của người dân, năm 2015, doanh nghiệp đã mua hơn 30kg hạt giổi về ươm trồng nhưng hạt giổi không nảy mầm do chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thực tế.

Trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm này chỉ có Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Mường Ảng ươm giống giổi găng thành công. Đó là sự nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu của đội ngũ cán bộ kỹ thuật của trạm, trong đó có sự đóng góp của anh Lò Văn Châm (cán bộ kỹ thuật) - người trực tiếp tham gia ươm mầm cây giổi con. Anh Châm chia sẻ: Khác với giổi xanh, tài liệu giới thiệu, hướng dẫn về kỹ thuật, quy trình ươm mầm cây giổi găng rất ít. Mặc dù là cây bản địa, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương nhưng để ươm mầm giổi giống thì rất khó vì phải quan tâm, chú trọng nhất là khâu xử lý hạt giổi giống. Khâu xử lý hạt là một trong những công thức, bí quyết nhân giống loại cây mới của trạm. Hạt giống phải được lấy từ những cây mẹ có đủ độ tuổi (từ 20-30 năm), sinh trưởng tốt. Sau khi mua hạt giống về, cán bộ kỹ thuật không được tách hạt luôn mà phải xử lý hạt nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nảy mầm của hạt. Sau đó, đem hạt giống đã qua xử lý ươm trên cát ẩm khoảng 40 ngày thì hạt sẽ nảy mầm và sau khoảng 60 ngày đem hạt nảy mầm cho vào bầu được đóng sẵn và làm khung ni-lông quây kín xung quanh để bảo vệ cây non tránh sự xâm hại của các loại sâu bệnh. Độ ẩm để cây phát triển bình thường là khoảng 80%, vì vậy để đảm bảo độ ẩm phù hợp, mỗi ngày cán bộ kỹ thuật cần phải tưới nước một lần. Đến khi cây con cao tầm 60-70cm, phát triển tốt có thể đem ra trồng ngoài tự nhiên. Đến nay, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Mường Ảng đã cung cấp gần 3 vạn cây giổi giống cho người dân các xã: Búng Lao, Nặm Lịch, Mường Lạn…

Thấy được lợi ích kinh tế từ trồng cây giổi găng, anh Vừ A Thấy, bản Hua Nậm, xã Ẳng Cang đã mua hơn 200 cây giổi giống để trồng thử nghiệm. Anh Thấy cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2ha rừng, nhưng chưa trồng bất cứ loại cây gì, qua tìm hiểu được biết cây giổi găng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi đến Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Mường Ảng mua cây giống về trồng thử, nếu cây phát triển tốt thì sang năm gia đình tôi sẽ mua thêm cây giống để nhân rộng diện tích. Mặc dù, mua cây giống với giá 5 nghìn đồng/cây nhưng vẫn còn hơn trồng mắc ca, táo mèo, bởi so với trồng các loại cây lâm nghiệp khác thì cây giổi găng vừa giá trị, vừa ít sâu bệnh mà lại dễ trồng. Bởi giá trị kinh tế cao và lợi ích bảo vệ rừng của cây giổi găng nên không chỉ anh Thấy mà còn nhiều hộ dân khác trên địa bàn huyện Mường Ảng mua cây giổi giống về để trồng, như: ông Lò Văn Thủ (xã Búng Lao) mua 2.500 cây, ông Sùng A Ninh mua 2.500 cây… Qua đó, thấy được việc nhân giống thành công cây giổi găng mở ra một cơ hội phát triển kinh tế cho người dân địa phương, góp phần quan trọng để bảo vệ và phát triển rừng.