Bảo đảm hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với quốc tế:

“Chìa khóa” để hội nhập

Thứ Ba 8:19 18/07/2017
Với việc xây dựng gần 10.000 tiêu chuẩn quốc gia, trong đó 47% bảo đảm hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, ngành tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng Việt Nam đã và đang góp phần đắc lực phục vụ cho việc cải tiến và đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Đây cũng được coi là "chìa khóa" để hội nhập quốc tế thành công.

Hài hòa tiêu chuẩn quốc tế

Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng vừa đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất ghi nhận những thành tích nổi bật của ngành, như xây dựng trên 9.500 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), trong đó 47% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và hơn 650 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN). Tỷ lệ hài hòa TCVN với tiêu chuẩn quốc tế đã và đang góp phần đắc lực phục vụ cho việc cải tiến và đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất và cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, thúc đẩy giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng giúp tăng năng suất, chất lượng một cách bền vững.

Bên cạnh đó, có 22 chuẩn đo lường quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó đã có 33 phép đo (CMCs/CIPM) của Việt Nam được Tổ chức đo lường quốc tế công nhận. Điều này đã thể hiện năng lực khoa học của Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước. Hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000, ISO 22000, HACCP,… đã được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia, được phổ biến áp dụng thành công ở hàng nghìn doanh nghiệp và các đơn vị hành chính để bảo đảm chất lượng, đánh giá sự phù hợp, làm cơ sở cho sự hội nhập, thừa nhận và công nhận lẫn nhau theo tập quán, thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, Tổng cục đã xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Đo lường. Đây là những yếu tố cơ bản, quan trọng, không thể thiếu để tham gia Tổ chức thương mại thế giới, ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Đặc biệt, cùng với sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ vi điện tử, công nghệ tin học, các nhà khoa học đo lường của Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật mới, đưa ứng dụng của đo lường tự động vào các ngành kinh tế mũi nhọn như: Điện tử, bưu chính - viễn thông, điện lực, khai thác dầu khí, mỏ địa chất, sản xuất xi măng, phân bón, khí tượng thủy văn… Ngành đã có đóng góp trong việc phát hiện một số vụ việc vi phạm lớn như: Điện kế điện tử, acetone trong xăng, mũ bảo hiểm kém chất lượng, đồ chơi trẻ em, sữa nhiễm melamine hay các gian lận đo lường trong sử dụng cột đo nhiên liệu... 

Mở "cánh cửa" quy định, tiêu chuẩn tại thị trường nhập khẩu

Trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, đồng thời đặt ra nhiều rào cản với hàng hóa nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần có “chìa khóa” để mở "cánh cửa" quy định, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng Nguyễn Văn Vinh cho biết, một trong những chiếc "chìa khóa" đó là Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình đã tạo ra một phong trào tăng năng suất, chất lượng một cách bền vững qua việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ quản lý tiên tiến.

Về phía địa phương, Giám đốc Sở KH-CN Đồng Nai, ông Phạm Văn Sáng cho biết, Đồng Nai thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Chương trình dựa trên Khung chương trình năng suất chất lượng do Tổng cục triển khai và có mở rộng thêm, phù hợp với đặc thù của tỉnh. Một trong các hoạt động đó là Sở đã chỉ đạo chuẩn hóa các bộ phận có tác động trực tiếp đến đo lường đối với tất cả các trạm kinh doanh xăng dầu, phải sử dụng đúng bo mạch và IC của nhà sản xuất cột đo. Việc chuẩn hóa này đã tạo điều kiện ứng dụng công nghệ để phát hiện nhanh chóng dấu hiệu có sử dụng IC giả thông qua việc đo và đối chiếu tần số của IC cột đo với tần số do nhà sản xuất cột đo cung cấp cho Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Ngoài ra, việc tăng cường quản lý đo lường và chất lượng tại trạm kinh doanh xăng dầu ở Đồng Nai đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nhất là các phương tiện giao thông có đi qua địa phận Đồng Nai. 

Để khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa có khả năng cạnh tranh trên thị trường, Giải thưởng Chất lượng quốc gia cũng đã được tổ chức nhiều năm nay. Đây là cơ hội để doanh nghiệp học hỏi, cải tiến và nâng cao chất lượng quản lý của mình thông qua việc áp dụng các thực hành sản xuất, kinh doanh tốt nhất. Không ít doanh nghiệp đã gặt hái được nhiều thành công, khẳng định vị thế trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu chính là nhờ vào hiệu quả ứng dụng các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng quốc gia trong quy trình quản trị cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh.