Nông nghiệp công nghệ cao trong tầm với

Thứ Sáu 10:03 25/01/2019

ĐBP - Không giống nông dân các tỉnh miền xuôi, đồng bằng, cụm từ “nông nghiệp công nghệ cao” còn khá lạ lẫm với nông dân Ðiện Biên. Tuy nhiên, đó là câu chuyện xưa cũ, còn giờ đây trên hành trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng giá trị của sản phẩm, tăng lợi ích cho các bên tham gia là hướng đi tất yếu và đang từng bước được nông dân Ðiện Biên thực hiện. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đã được khởi động mang lại hiệu quả, là tiền đề phát triển nông nghiệp 4.0 ở tỉnh còn nhiều khó khăn như Ðiện Biên.

 

Ông Nguyễn Hữu Nhẹ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ kiểm tra tình hình phát triển của nấm đông trùng hạ thảo.

Công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào trong lĩnh vực trồng trọt được ứng dụng khá rộng rãi và đem lại kết quả khả quan. Ðiển hình là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ (trụ sở tại tổ dân phố 24, phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) nuôi thành công “thần dược” - nấm đông trùng hạ thảo. Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nuôi “thần dược” này, ông Nguyễn Hữu Nhẹ, Giám đốc Công ty cho biết: Là nông dân nhưng được con trai cả Nguyễn Hữu Tuấn Dũng chuyển giao công nghệ nuôi nấm đông trùng hạ thảo sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học (Ðại học Ðà Lạt) và du học tại Hàn Quốc. Quyết tâm mở cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, ông Nhẹ mạnh dạn đầu tư xây dựng các phòng nghiên cứu, bảo quản giống, cấy vô trùng cấp 2, các thiết bị kỹ thuật đảm bảo. Ðể sản xuất ra sản phẩm sạch, tự nhiên, Công ty nhập giống gốc từ Trung tâm nghiên cứu ung bướu của Hoa Kỳ. Và điều thuận lợi là khí hậu Ðiện Biên rất phù hợp để làm nấm đông trùng hạ thảo, nhất là vào mùa đông thời tiết lạnh, nhiệt độ dưới 180C trở xuống. Ðây cũng là vùng dễ tìm và phát triển nguyên liệu tự nhiên, sạch 100%, đảm bảo cho sản phẩm tốt. Chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, bình quân mỗi tháng cơ sở bán hơn 5.000 hộp, doanh thu trên 400 triệu đồng. Với quy trình kỹ thuật sản xuất đảm bảo tự nhiên 100%, sạch; toàn bộ sản phẩm của Công ty đã được kiểm nghiệm bởi cơ quan chuyên môn, trong đó các chất dinh dưỡng (Andenosine và Cordycepin) có hàm lượng cao. Vì vậy, sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong và ngoài tỉnh với giá 120 triệu đồng/kg đông trùng hạ thảo khô, 500.000 đồng/bình đông trùng hạ thảo tươi và 1,5 triệu đồng/bình đông trùng hạ thảo ngâm mật ong… Ngoài bán các sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo khô, tươi, nấm mật ong, nấm ngâm rượu, cơ sở sản xuất của ông Nhẹ còn cung cấp nấm giống phân phối cho nhiều tỉnh khu vực Tây Nguyên, miền Nam… doanh thu khoảng 4 tỷ đồng/năm.

Mô hình ứng dụng công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào trong quá trình nuôi cấy nấm và sản xuất các giống nấm ăn, nấm dược liệu của Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Ðiện Biên thời gian qua cũng đã cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh với số lượng lớn. Mô hình nuôi tảo xoắn của Trung tâm Nghiên cứu - nuôi trồng tảo xoắn Spirulina Ðức Lợi tại huyện Mường Ảng với sản phẩm tảo tươi Spirulina đã được kiểm nghiệm và chứng nhận về chất lượng của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Năm 2018, Trung tâm sản xuất hơn 1.800kg tảo tươi cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số nước, như: Ðức, Singapo, Thái Lan. Một số mô hình sản xuất rau ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao được triển khai thực hiện với quy mô tương đối đó là Doanh nghiệp Tư nhân Hoa Ba trồng rau thủy canh bằng hệ thống hồi lưu với diện tích 600m2. Hay việc áp dụng thành công công nghệ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAp của Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Ðiện Biên (3ha), Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green (2ha). Mô hình nuôi cá hồi, cá tầm tại xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) do Công ty TNHH Sơn Hạnh đầu tư xây dựng theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ… là bước khởi đầu tích cực cho nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Có thể khẳng định, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã bước đầu hình thành tại Ðiện Biên, tập trung ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, cho năng suất cao, thân thiện với môi trường; không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu giúp nông dân chủ động được kế hoạch sản xuất cũng như khắc phục được tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp cho lợi nhuận cao hơn. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã tác động tích cực đến việc thu hút, hình thành và tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người dân, từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa, tăng thu nhập. Tháng 10/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2982/KH-UBND tỉnh về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh đến năm 2020 thực hiện hướng tiếp cận, cơ cấu lại ngành, lĩnh vực theo vùng trọng điểm gắn với sản phẩm lợi thế và liên kết vùng, có đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến. Trên cây lúa áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như SRI, 3 giảm 3 tăng, hiệu ứng hàng biên, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, quản lý dịch hại IPM... Tập trung xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao (IR64, Bắc thơm số 7, Hương Việt 3...) gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm với quy mô 2.500ha tại các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng và TP. Ðiện Biên Phủ. Xây dựng vùng cà phê liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ dân theo tiêu chuẩn VietGAP, UTZ, hữu cơ tại huyện Mường Ảng và Tuần Giáo với quy mô 2.000ha trở lên đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phát triển vùng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ...

Ðể thực hiện thành công mục tiêu đó, cùng với việc thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nắm được chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tỉnh cần quy hoạch, chuyển đổi đất để tạo quỹ đất sản xuất nông nghiệp tập trung cho các doanh nghiệp thuê để thực hiện chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm, kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng để liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định “đầu ra”, nhất là các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.