Cơn mưa “vàng” “giải nhiệt” sau nắng hạn

Thứ Sáu 0:00 10/04/2015
ĐBP - Sau chuỗi ngày nắng trong suốt thời gian dài vừa qua, cơn mưa “vàng” hiếm hoi xuất hiện hơn 2 giờ vào đêm mùng 6/4, rạng sáng 7/4, góp phần “hạ nhiệt”, không những mang lại thời tiết mát mẻ, mà còn “giải” cơn khát cho các loại cây trồng, đặc biệt là đối với diện tích lúa đông xuân rơi vào tình trạng khô hạn bấy lâu.

Do trời không mưa cộng với tình trạng nắng nóng kéo dài diễn ra trên địa bàn tỉnh khiến hàng loạt ao, hồ, sông suối đang dần cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn nước tưới cho hàng trăm héc ta lúa đông xuân và nhiều hoa màu. Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, có những thời điểm, nhiệt độ đo được ở Tuần Giáo là 36,30C, thị xã Mường Lay có lúc đỉnh điểm còn đạt ngưỡng 37,20C... Vì thế, đối với nhiều người dân, trận mưa vừa qua có lẽ quý hơn vàng.

Ông Phạm Thế Thế, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh cho biết: Cơn mưa này được hình thành do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén bởi bộ phận áp cao lạnh lục địa phía bắc, gây ra mưa, mưa rào và giông trên phạm vi toàn tỉnh. Lượng mưa đo được tại thị xã Mường Lay là 4mm, Tuần Giáo 8mm, đèo Pha Đin 11mm và huyện Điện Biên 3,3mm.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân xuống đồng bón phân kali cho lúa.

Trận mưa tuy không lớn nhưng rải đều ở các huyện, mang lại nhiều lợi ích như: tưới ẩm cho đất, làm giảm quá trình phát triển các loại sâu bệnh như sâu cuốn lá nhỏ, rầy… phá hại lúa. Bên cạnh đó, trận mưa góp phần giải nhiệt cho hàng trăm héc ta rừng trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ cháy do khô hạn, do đốt nương. Đây là thời điểm nhiều loại cây trồng vụ đông xuân bước vào thời kỳ sinh trưởng phát triển rộ, cần đảm bảo đủ nước tưới để cây trồng tích lũy dinh dưỡng, quyết định năng suất cho mùa vụ. Ông Phạm Văn Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Cơn mưa vừa qua thực sự là trận mưa vàng cho đồng ruộng, bởi hiện nay hầu hết diện tích lúa đông xuân của toàn huyện đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng. Giai đoạn này nước là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu để cây lúa chuyển hóa hạt chắc, nếu thiếu nước sẽ khiến lúa trỗ phân hóa đòng kém, khiến nhiều hạt bị lép ảnh hưởng đến năng suất. Ngay sau trận mưa, chúng tôi thăm đồng kiểm tra, đồng thời tích cực chỉ đạo bà con tranh thủ đất ẩm bón phân kali đón đòng cho lúa. Đặc biệt ở những khu vực có diện tích lúa xấu do không đủ nước tưới, như: đội A1 (xã Noong Luống) và đội 6 (xã Thanh Chăn) cần bổ sung lượng đạm từ 3 – 5 kg/1.000m2 nhằm giúp cây lúa chóng phục hồi.

Tuy nhiên, cơn mưa vừa qua mới chỉ có tác dụng “giải” khát, giảm nền nhiệt độ chứ chưa giải quyết được nguy cơ cháy rừng hay bổ sung nguồn nước cho các hồ chúa trên địa bàn. Do vậy, các địa phương cần đề cao cảnh giác nguy cơ cháy rừng, chủ động các phương án phòng cháy chữa cháy kịp thời. Đồng thời có kế hoạch đưa nước về đồng ruộng hợp lý, đảm bảo nguồn nước tưới. Bên cạnh đó, cần tranh thủ những ngày có mưa tận dụng khai thác triệt để nguồn nước, chủ động áp dụng các biện pháp tích nước để chống hạn cho cây trồng.