Kỷ niệm 12 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2016)

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển

Thứ Tư 9:51 12/10/2016
ĐBP - Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/CP trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp được kỳ vọng sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải thời gian qua.

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 1.100 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 10.500 tỷ đồng; tổng số lao động được sử dụng tại các doanh nghiệp khoảng 40.000 người với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng...

 

Đội xe, máy xúc Công ty TNHH Thương mại số 6 thi công công trình khắc phục sự cố sạt lở tại Trung tâm Hội nghị TX. Mường Lay. Ảnh: Vinh Duy

Nghị quyết 35/NQ-CP có nội dung chủ yếu như: “Tạo môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện. Đảm bảo mọi doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; tạo bước chuyển biến toàn diện trong nhận thức của các cơ quan chức năng có liên quan về sự cần thiết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp...” Xác định một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là cải cách hành chính (CCHC), UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành tập trung nâng cao hiệu quả CCHC theo hướng công khai và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp như: Đăng ký kinh doanh, môi trường, thuế... Trong đó tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giới thiệu thường xuyên, liên tục, cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính và các loại hình dịch vụ hành chính công do các cơ quan cung cấp cũng như cách thức tiếp cận, khai thác, sử dụng dịch vụ để khách hàng nắm bắt, sử dụng một cách thuận lợi khi có nhu cầu. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định quy định về việc tiếp nhận, xử lý các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính. Từ năm 2015, các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trên tinh thần đơn giản hóa các bước và giảm thiểu thời gian thực hiện: Rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa 2,5 ngày làm việc; giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh (bao gồm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư); rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 77 ngày; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống không quá 10 ngày; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng xuất khẩu và dưới 41 giờ đối với hàng nhập khẩu; việc giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư tối đa không quá 7 ngày; cấp giấy chứng nhận đầu tư tối đa không quá 20 ngày... Đặc biệt, các thủ tục hành chính về thuế luôn được công khai minh bạch trên trang thông tin điện tử của ngành Thuế và được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan thuế các cấp. Tính đến thời điểm hiện tại tỉnh ta có 1.057 doanh nghiệp, chi nhánh trên địa bàn tỉnh thực hiện đăng ký kê khai thuế qua mạng, chiếm 90,2%.

Tăng cường đối thoại

Đối thoại doanh nghiệp được UBND tỉnh tổ chức lần đầu vào ngày 13/10/2013, kể từ đó đến nay, đối thoại doanh nghiệp luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chú trọng và tổ chức thường niên. Tại các buổi đối thoại, trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, cầu thị, lãnh đạo UBND tỉnh cùng một số sở, ban, ngành tỉnh được nghe nhiều ý kiến, kiến nghị, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về chất lượng điều hành; những hạn chế trong tổ chức thực hiện cũng như kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực thu hút đầu tư, xây dựng và hỗ trợ sau đầu tư; nhận diện các nguyên nhân dẫn đến chi phí không chính thức; chậm trễ trong tiếp cận đất đai... Qua đó, UBND tỉnh và các ngành kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Sau các buổi đối thoại, hàng chục doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ thực hiện nhanh các thủ tục tiếp cận đất đai; một số dự án đầu tư, xây dựng ách tắc do vướng mắc khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng được giải quyết dứt điểm... Lần gần đây nhất diễn ra cuộc đối thoại với doanh nghiệp là ngày 12/5/2016. Tại buổi đối thoại này, đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư nêu 41 ý kiến, kiến nghị với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng nội dung chủ yếu xoay quanh: Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng trong thực hiện cấp phép đầu tư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện đầu tư dự án; tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; UBND tỉnh nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù trong thu hút đầu tư, chính sách thuế... Đặc biệt là cơ chế đặc thù trong khai thác vật liệu xây dựng phục vụ việc xây dựng các công trình, dự án tại một số huyện: Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ. Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp và nhà đầu tư, UBND cùng các sở, ban ngành tỉnh đã tiếp nhận, giải đáp cụ thể đồng thời cam kết: Tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, miễn giảm thuế theo quy định; ưu tiên doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trên địa bàn tiếp cận các chương trình, dự án; đẩy mạnh cải cách, công khai minh bạch các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ khởi nghiệp

Để tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao năng lực quản lý, điều hành; Hội Doanh nhân tỉnh phát huy tối đa vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp... Thực hiện tốt công tác hỗ trợ thành lập mới doanh nghiệp; khuyến khích các hộ cá thể chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp khi có đủ điều kiện; ban hành một số chính sách thu hút đầu tư; rà soát quỹ đất trên địa bàn thành phố để đề xuất, bố trí mặt bằng cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng sản xuất kinh doanh hoặc mở rộng. Cung cấp thông tin cho doanh nghiệp; xây dựng website hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng sản xuất tại chỗ, nhằm giảm suất đầu tư, đồng thời thúc đẩy công nghiệp sản xuất trên địa bàn phát triển. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo… để phổ biến chính sách và đào tạo một số kỹ năng cho doanh nghiệp trên địa bàn. Doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo nghề tại chỗ gắn với tạo việc làm, được hỗ trợ các chính sách theo quy định; tăng cường cung cấp thông tin về khoa học công nghệ cho doanh nghiệp; khuyến khích hoạt động sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất kinh doanh. Các cấp, ngành chức năng hướng dẫn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp xúc với Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để được tiếp cận vốn vay với mức lãi suất phù hợp.