Vấn đề bạn đọc quan tâm

Cam kết và hành động

Thứ Tư 8:07 04/01/2017
ĐBP - Khác với rất nhiều cuộc đối thoại mà UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức, tại hội nghị chuyên đề “Chính phủ kiến tạo - nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh mới và Đối thoại doanh nghiệp lần 2 năm 2016” do UBND tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức tại TP. Điện Biên Phủ vào ngày làm việc cuối năm (30/12/2016), các đồng chí lãnh đạo tỉnh còn được nghe ý kiến của rất nhiều doanh nghiệp không trực tiếp tham dự đối thoại. 

Đó chính là kết quả do Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khảo sát doanh nghiệp Điện Biên khi nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015, được công bố đầu năm 2016.

 
Điển hình là những con số: 53% doanh nghiệp Điện Biên than phiền có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được do thủ tục hành chính rườm rà, cán bộ nhũng nhiễu; 72% doanh nghiệp phải chi các chi phí không chính thức; 69% doanh nghiệp cho biết, nhũng nhiễu là phổ biến; 89% doanh nghiệp cho rằng, cần có mối “quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh... Dẫu không phải là toàn diện, song khi nhìn vào những con số trên chúng ta cũng phần nào nhận thấy bức tranh khách quan về môi trường kinh doanh và hành vi của một bộ phận công chức Điện Biên. Điều này là thông tin không vui với những người đứng đầu và không dễ nghe với cả công chức các sở, ban, ngành có mặt tại hội nghị.

Đại diện cho lãnh đạo tỉnh Điện Biên phát biểu với các doanh nghiệp, đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã đưa ra khá nhiều cam kết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Đó là tiếp tục triển khai Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã được phê duyệt để cải thiện, nâng cao tất cả các chỉ số, trong đó tập trung đặc biệt vào những chỉ số mà Điện Biên được đánh giá thấp trong những năm gần đây, như: chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai, tính năng động và chỉ số cạnh tranh bình đẳng. Về ý thức, trách nhiệm cán bộ, công chức, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn chỉ rõ, phải nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ đảng viên, người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị trong quá trình tiếp nhận đăng ký đầu tư, giải quyết các thủ tục hành chính, giao đất cho nhà đầu tư; đồng thời kiên quyết thu hồi đối với những dự án đăng ký nhằm giữ chỗ, chuyển nhượng kiếm lời, cố tình chậm trễ trong việc triển khai thực hiện.

Về phía UBND tỉnh, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cũng cam kết cụ thể tại cuộc đối thoại: Đó là đơn giản thủ tục và phấn đấu rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn 2,5 ngày làm việc, giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh (bao gồm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư)...; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 77 ngày, sau năm 2020 xuống còn 70 ngày...; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống không quá 10 ngày... Cam kết cụ thể của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đồng nghĩa với việc, cơ hội cho các doanh nghiệp làm thật sẽ tăng lên, song công việc mà các sở, ban, ngành Điện Biên phải làm cũng theo đó mà tăng lên rất nhiều. Với nhà đầu tư và những người đang có ý tưởng đầu tư vào Điện Biên hẳn cũng phần nào an tâm hơn, có quyết tâm hơn để thực hiện những điều đã ấp ủ thay vì thái độ băn khoăn, hồ nghi và cả sự chán nản đến mệt mỏi như thời gian qua.

Tại thời điểm này còn quá sớm khi khẳng định, Điện Biên sẽ thay đổi mạnh mẽ để cải thiện môi trường thu hút đầu tư, song với những điều mà các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã cam kết, chúng ta có quyền hy vọng rằng, dưới sự chỉ đạo kiên quyết của Tỉnh ủy và sự thực hiện quyết liệt, cụ thể của UBND tỉnh, môi trường đầu tư kinh doanh của Điện Biên năm 2017 sẽ đạt những dấu ấn tích cực hơn.