Chỗ dựa vững chắc giúp nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Thứ Hai 9:43 09/01/2017
ĐBP - Giai đoạn 2011 - 2016, hội nông dân các cấp đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền vận động hội viên tích cực tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”. Phong trào đã phát triển sâu rộng tới thôn, bản, tạo bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. 

Nhiều hộ nông dân đã dần thay đổi nhận thức trong lao động sản xuất, mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), khai thác tiềm năng thế mạnh về lao động, đất đai, vốn tự có để mở rộng sản xuất, ngành nghề, tạo việc làm, sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nhanh hộ nghèo, từng bước làm giàu chính đáng. Tổ chức Hội đã trở thành chỗ dựa vững chắc giúp hội viên nâng cao nhận thức hiểu biết trong phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, chủ động vươn lên trong cuộc sống.

 
Hội nông dân các cấp đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, nhân rộng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đến 47.256 lượt hội viên. Hội phối hợp đào tạo nghề cho 2.177 lao động, tổ chức 513 buổi hội thảo đầu bờ cho 24.000 lượt hội viên nông dân tham quan, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Hội nhận ủy thác với Với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho 23.000 lượt hộ nông dân tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo với tổng số tiền vay 550 tỷ đồng. Thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ tổ chức hội nông dân phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 5.628 lượt nông dân được vay vốn với tổng số tiền 500 tỷ đồng để mở rộng sản xuất, ngành nghề phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

 

Được tập huấn kiến thức kỹ thuật, vay vốn lãi suất ưu đãi, nhiều gia đình hội viên nông dân thôn Việt Yên, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên phát triển nuôi  thủy sản từng bước thoát nghèo.

Bên cạnh đó, những năm qua Hội Nông dân tỉnh cũng phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố tổ chức thực hiện 19 dự án từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, số tiền vay là 9,145 tỷ đồng với 292 lượt hộ vay tạo việc làm mới cho 584 lao động. Thực hiện 18 mô hình khuyến nông; trong đó có mô hình chăn nuôi gia súc với 750 gia đình hội viên được hỗ trợ bò giống, nay đàn bò đã tăng trưởng trên 800 con. Hiện toàn tỉnh có 7.005 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đạt tiêu chí theo quy định của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Trong đó, 68 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp quốc gia; 429 hộ cấp tỉnh; 75% hộ có mô hình kinh tế VAC; 15,8% hộ mô hình dịch vụ tổng hợp; 4,5% hộ mô hình trang trại...

Bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đánh giá: Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2011 - 2016, hội viên đã phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau, thi đua lao động. Từ đó, tạo việc làm ổn định, thu nhập bền vững, nâng cao chất lượng đời sống hội viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng nông thôn mới. Điển hình như mô hình kinh tế các hội viên: Phạm Anh Dũng, dân tộc Kinh, đội 7, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) trồng 2ha cây dược liệu (gấc, đinh lăng), chăn nuôi bò, chim bồ câu, thỏ, gà cho tổng thu nhập 900 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 15 lao động. Hội viên Chang Váng Sinh, dân tộc Hà Nhì, bản A Pa Chải, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) mạnh dạn đầu tư vốn, chăn nuôi 120 con bò sinh sản, trị giá hơn 2 tỷ đồng chuyển đổi sản xuất trên nương xuống ruộng bằng việc khai hoang, cải tạo 3ha đất nương thành ruộng có bờ gieo cấy lúa ruộng. Hội viên Mùa Sái Tòng, dân tộc Mông, bản Lồng, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) phát huy tiềm năng đất đai đầu tư trồng cà phê, táo mèo, sa nhân, chăn nuôi trâu, bò, cá tổng thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn rất nhiều các mô hình kinh tế hiệu quả khác do hội viên nông dân làm chủ: Lò Văn Giảng, bản Tạo Sen, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay); Tòng Thị Mâu, bản Hua Ca, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo); Lường Ngọc Kỷ, bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng)...

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hội viên nông dân thi đua học tập cách làm ăn mới, thay đổi nhận thức và hành động trong sản xuất, áp dụng KHKT, phát huy tiềm năng thế mạnh của mỗi gia đình, mỗi địa phương phát triển cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa. Tranh thủ cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho nông dân vùng đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... hội viên, nông dân đã năng động sáng tạo trong lao động sản xuất, đạt được kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.