Khó phát triển tiểu thủ công nghiệp ở Mường Lay

Thứ Tư 9:27 05/04/2017
ĐBP - Ông Hoàng Văn Chiến, Trưởng phòng Kinh tế, TX. Mường Lay, cho biết: Với nguồn lao động tại chỗ, TX. Mường Lay có điều kiện để phát triển tiểu thủ công nghiệp; tuy nhiên, để trở thành ngành kinh tế đem lại thu nhập ổn định cho người dân thì vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có khoảng 20 hợp tác xã và tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, có những mô hình hoạt động khá hiệu quả như tổ hợp tác Quang Vinh sản xuất tăm giang, đan cót; hợp tác xã Hoàng Dũng sản xuất mây tre đan… Các nghề tiểu thủ công nghiệp, đã mang lại thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân tái định cư.

Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là hầu hết cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp hoạt động còn nhỏ lẻ; mẫu mã sản phẩm đơn điệu, thiếu tính độc đáo, nguồn nguyên liệu không ổn định... là rào cản trong phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng thương hiệu hàng thủ công. Chủ yếu vẫn là các sản phẩm cót đan, tăm giang và mây tre... Vì vậy, người lao động chỉ sản xuất được một số mặt hàng đơn giản, giá thành thấp nên thu nhập chưa cao khiến người lao động chưa mặn mà với nghề. Trên địa bàn thị xã thiếu lao động lành nghề, chủ yếu là lao động chưa được đào tạo.

Tổ hợp tác Quang Vinh, phường Sông Đà, tập trung phát triển nghề đan cót với hơn 30 hộ thành viên. Nguyên liệu được người dân khai thác từ rừng tre, nứa trên địa bàn. Để tăng thêm thu nhập cho bà con và tận dụng nguyên liệu, ngoài đan cót, tổ hợp tác còn sản xuất tăm theo phương pháp bán công nghiệp. Phần sơ chế thô dùng máy công nghiệp, còn công đoạn tuốt được giao cho người dân làm thủ công. Với ngành nghề này, mỗi gia đình có thu nhập trung bình 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tổ hợp tác có quy mô hoạt động nhỏ, thị trường tiêu thụ hẹp, chưa ổn định; sản phẩm cót chủ yếu dùng trong thi công xây dựng song thị trường tiêu thụ cũng chưa ổn định do phụ thuộc vào mùa vụ xây dựng. Vào mùa mưa, người dân thường gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm.

Thời gian tới, để phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, TX. Mường Lay xác định: bên cạnh việc tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thị xã sẽ chú trọng nâng cao chất lượng nguồn lao động thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề. Trong đó, đưa bánh khẩu xén trở thành sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương. Trước hết, 15 hộ dân tại xã Lay Nưa sẽ được tham gia dây chuyền sản xuất, cung ứng bánh khẩu xén do Hội Phụ nữ xã Lay Nưa phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thực hiện.