Tín hiệu vui từ những mô hình sinh kế

Thứ Bảy 8:26 29/04/2017
ĐBP - Để thành công khi triển khai mô hình hỗ trợ sinh kế, một trong những yếu tố quan trọng là sự chủ động của người dân. Do đó, sinh kế phải được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tiễn, giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của hỗ trợ sinh kế là nhằm góp phần tăng thu nhập, tạo cơ hội vươn lên thoát nghèo. Thời gian qua, một số mô hình hỗ trợ sinh kế trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã được người dân đồng tình ủng hộ và thực hiện có hiệu quả.

Tháng 8/2016, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Tủa Chùa triển khai mô hình trồng lạc cho 78 hộ dân tại 4 thôn: Háng Lìa, Mảng Chiềng, Sín Chải và Hấu Chua (xã Sín Chải) trên diện tích 12,5ha. Đây là mô hình được triển khai dựa trên nhu cầu của người dân. Nghĩa là bà con đề xuất giống cây trồng, đơn vị chỉ thẩm định và hỗ trợ đầu tư. Sau 4 tháng triển khai, lạc đã cho thu hoạch với năng suất trung bình đạt gần 1,2 tấn/ha. Ông Giàng A Chu, một chủ hộ tham gia mô hình cho biết: Gia đình tôi có 3 mảnh nương nhưng quanh năm chỉ trồng ngô, lúa. Sau khi chuyển sang trồng lạc, gia đình tôi thu được gần 3 tạ, bán với giá 20.000 đồng/kg củ tươi, cho thu lãi gần 5 triệu đồng. Tuy số tiền không lớn, song đây là hướng để gia đình tạo nguồn thu nhập trong những năm tiếp theo. Vụ tới mặc dù đã hết hỗ trợ nhưng tôi quyết định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng lạc để tăng nguồn thu cho gia đình.

 

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân trồng dứa tại xã Mường Báng.

Tương tự là mô hình trồng dứa tại 3 xã: Xá Nhè, Mường Báng và Tả Phìn. Cây dứa khá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn, cho quả to, giá bán từ 8.000 - 15.000 đồng/quả nên người dân tham gia mô hình có nhu cầu tiếp tục mở rộng diện tích. Ông Tô Văn Tuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Phòng vừa cấp 60.000 cây dứa giống và 5,4 tấn phân bón các loại hỗ trợ những hộ dân tham gia mô hình. Đồng thời, cử cán bộ hướng dẫn người dân các kỹ thuật làm đất, trồng và chăm sóc dứa. Khi tham gia mô hình, các hộ gia đình đều ký cam kết sau khi được thu hoạch sẽ hoàn trả số lượng chồi giống đã được hỗ trợ để cung cấp cho hộ gia đình có nhu cầu trồng dứa trong 2 vụ tiếp theo. Vụ thứ nhất hoàn trả 40%, vụ thứ hai hoàn trả 60% số lượng chồi giống.

Những mô hình hỗ trợ sinh kế do người dân đề xuất, được đơn vị chức năng thẩm định và hỗ trợ đầu tư thì sẽ được sự ủng hộ, đồng tình cao của người dân. Cùng với đó, việc lựa chọn những hộ dân có ý chí thoát nghèo nhanh góp phần quan trọng để mô hình thành công, bởi khi có ý thức người dân cũng sẽ có trách nhiệm hơn đối với mô hình mà mình tham gia, coi đó là cơ hội, là đòn bẩy để vươn lên thoát nghèo. Một mô hình thành công còn phải thể hiện ở việc có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bởi vậy, khi những mô hình đã tạo được sự đồng thuận, được người dân thực sự xem là sinh kế thoát nghèo, nhiệt tình tham gia thì chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng phải giúp người dân hoàn chỉnh khâu cuối cùng trong chuỗi sản xuất, tạo cầu nối giữa người nông dân với thị trường tiêu thụ.