Tập trung các nguồn lực để giảm nghèo

Thứ Sáu 10:09 01/09/2017
ĐBP - Những năm qua, thực hiện công tác giảm nghèo trong bối cảnh bộn bề khó khăn nhưng nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay công tác giảm nghèo của tỉnh đã tạo được nhiều bước đột phá. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo là 48,14% thì đến hết năm 2016 giảm xuống còn 44,82% (giảm 3,32% theo chuẩn nghèo đa chiều).

Thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh ta tiếp tục tăng trưởng, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, cải thiện điều kiện sản xuất và nâng cao đời sống, tạo việc làm cho người lao động; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Giai đoạn 2011 - 2015 toàn tỉnh đã huy động được 12.088 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và từ các đơn vị, doanh nghiệp để thực hiện các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

 

Từ nguồn vốn Chương trình 135, người dân xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) được hỗ trợ máy nông nghiệp, ứng dụng vào sản xuất, nâng cao đời sống người dân.

Trong mỗi giai đoạn thực hiện công tác giảm nghèo, tỉnh đều lồng ghép các chương trình như: Dạy nghề, tín dụng ưu đãi, Chương trình 135, Quyết định 167 của Chính phủ... mang lại hiệu quả rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Chỉ tính riêng năm 2016, tổng nguồn vốn thực hiện các Chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là gần 1.500 tỷ đồng, được đầu tư: Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ đời sống, sắp xếp ổn định dân cư, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Trong đó, Chương trình 30a của Chính phủ tại các huyện nghèo được đánh giá có hiệu quả cao trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Năm 2016, vốn kế hoạch giao trên 151 tỷ đồng, tỉnh ta đã đầu tư 52 công trình; hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, như: Phát triển 407,4ha rừng nguyên liệu tập trung; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho hơn 3.200 hộ; hỗ trợ 499 hộ hộ nghèo kinh phí một lần làm chuồng trại chăn nuôi. Năm 2016, bằng nguồn vốn Chương trình 135, toàn tỉnh đầu tư xây dựng 115 công trình giao thông, điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt. Hỗ trợ phát triển sản xuất cho 2.939 hộ; xây dựng 8 mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ 624 máy móc, thiết bị cho 624 nhóm hộ... Ngoài 2 chương trình lớn của Chính phủ thì nhiều chương trình, dự án khác cũng góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Điển hình như nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo. Năm 2016, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh thực hiện cho vay 15 chương trình với 33.685 lượt khách hàng, tổng doanh số cho vay 921,696,21 tỷ đồng. Trong đó: 14.729 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi, với doanh số cho vay gần 487 tỷ đồng; 2.319 hộ cận nghèo được vay 88,160 tỷ đồng; 1.391 hộ mới thoát nghèo được vay 58,93 tỷ đồng.

Ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Xác định giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cuối năm 2016 UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Chương trình Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, thay đổi tư duy, phương pháp xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp giảm nghèo là mục tiêu quan trọng được tỉnh đặt ra trong giai đoạn mới. Chính sách và các dự án giảm nghèo sẽ được triển khai theo hướng giảm dần việc “cho không”, tăng cường cho vay có điều kiện, có hoàn trả nhằm nâng cao ý thức tự lực vươn lên của hộ nghèo, cận nghèo; hạn chế tối đa tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân. Năm 2017, tỉnh đề ra các chỉ tiêu: Giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,3%, trong đó 5 huyện nghèo giảm 4,12%; đào tạo nghề cho 8.000 lao động; tạo việc làm mới cho 8.500 lao động... Để thực sự hoàn thành các chỉ tiêu đó đòi hỏi tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác xóa đói, giảm nghèo; tiếp tục phát động phong trào giúp đỡ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đầu tư cơ sở hạ tầng; phối hợp, giám sát và phản biện xã hội trong việc thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo. Song song đó, cần chấn chỉnh bệnh thành tích, kiểm soát chặt chẽ việc điều tra, bình xét hộ nghèo hàng năm để các chương trình, dự án giảm nghèo phát huy hiệu quả.