Nậm Pồ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Thứ Tư 10:24 29/11/2017
ĐBP - Huyện Nậm Pồ có 58.906ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Những năm qua, rừng không những cung cấp gỗ và các loại lâm sản phụ mà còn mang lại cho người dân thu nhập từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Hiện nay, tỷ lệ che phủ rừng của huyện Nậm Pồ đạt 39,4%, là một trong những huyện có độ che phủ rừng lớn nhất tỉnh. Hàng năm, UBND huyện chủ động kiện toàn ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); chỉ đạo các xã bổ sung, kiện toàn ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về quản lý, bảo vệ rừng; thành lập đội xung kích bảo vệ, PCCCR tại các bản. Lực lượng kiểm lâm địa bàn thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã và các chủ rừng tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng như: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; các thông tư, nghị định về quản lý, bảo vệ rừng… Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tổ chức 82 buổi tuyên truyền với 3.834 lượt người tham gia; củng cố, thành lập 64 đội PCCCR tại các bản với 668 người tham gia. Cùng với đó, tổ chức cho người dân ký cam kết về bảo vệ rừng gắn với PCCCR; tổ chức diễn tập PCCCR và tìm kiếm cứu nạn; chủ động chuẩn bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại hộ gia đình, thôn bản, sẵn sàng ứng cứu rừng khi có sự cố xảy ra. Ðồng thời đã xử lý 45 vụ vi phạm hành chính, 33/38 vụ phá rừng trái pháp luật; tang vật tịch thu 12kg sản phẩm động vật hoang dã, 142kg hoàng lan, 70kg củ bạch cập và trên 7m3 gỗ xẻ.

Song song với công tác bảo vệ rừng, nhiệm vụ phát triển rừng luôn được huyện Nậm Pồ chú trọng thực hiện. Các xã tiếp tục chăm sóc, quản lý 80,65ha rừng trồng năm 2015, 2016. Năm 2017, thực hiện kế hoạch trồng rừng của UBND tỉnh, huyện Nậm Pồ trồng mới được 25,72ha rừng sản xuất tại 2 xã: Phìn Hồ và Chà Nưa.

Nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, người dân huyện Nậm Pồ được hưởng lợi từ rừng. Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, huyện Nậm Pồ có 126 chủ rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng với số tiền trên 22 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân còn được hưởng lợi từ nguồn lâm sản phụ như: Sa nhân, thảo quả, măng, nấm, mộc nhĩ, lá dong, mật ong, nguyên liệu sản xuất hàng thủ công, dược liệu... Theo kết quả khảo sát, dự ước năm 2017, tổng nguồn thu từ lâm sản phụ trên toàn huyện đạt 100 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu từ cây sa nhân đạt 11 tỷ đồng.

Nậm Khăn là xã có diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng lớn nhất huyện với trên 8.000ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 77%. Hiện nay, toàn bộ diện tích rừng của xã Nậm Khăn được giao cho 7 chủ rừng là cộng đồng 7 bản trên địa bàn quản lý, bảo vệ. Ông Poòng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Nặm Khăn cho biết: Xã có diện tích rừng lớn, người dân được hưởng lợi từ rừng nên công tác quản lý, bảo vệ rừng được chính quyền và người dân chú trọng thực hiện. Song song với công tác quản lý, bảo vệ rừng, xã tăng cường tuyên truyền, tổ chức diễn tập PCCCR mùa khô hanh để năng cao ý thức, kỹ năng cho người dân. Trung tuần tháng 11 vừa qua, UBND xã Nậm Khăn vừa tổ chức thành công cuộc diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn. Kết quả diễn tập được UBND huyện đánh giá đạt loại giỏi. Những năm gần đây, ngoài nguồn thu từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân xã Nậm Khăn còn có thêm nguồn thu từ lâm sản phụ với thu nhập khoảng 10 - 15 triệu đồng/hộ/năm. Nhận thấy nguồn thu từ lâm sản phụ dưới tán rừng lớn, năm 2015, UBND xã phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện trồng thử nghiệm 2ha cây sa nhân xanh dưới tán rừng. Ðến vụ thu hoạch trong năm 2018, nếu đạt sản lượng tốt, UBND xã sẽ vận động người dân mở rộng diện tích cây sa nhân, vừa góp phần bảo vệ rừng vừa tăng thu nhập cho người dân.