Siết chặt cơ cấu giống vụ đông xuân

Thứ Hai 8:52 04/12/2017
ĐBP - Khoảng hơn 1 tháng nữa, nông dân toàn tỉnh sẽ bước vào gieo cấy vụ đông xuân 2017 - 2018. Cơ cấu giống hợp lý, chất lượng và gieo cấy đúng khung thời vụ là giải pháp hạn chế thiệt hại do tác động của thời tiết, sâu bệnh cho cây lúa. Thời điểm này, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp siết chặt quản lý giống, vận động người dân tuân thủ cơ cấu giống của ngành Nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất lúa đông xuân.

Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa, vụ đông xuân 2017 - 2018 mới bắt đầu nhưng mục tiêu gieo cấy 9.174ha, đạt sản lượng 54.266,5 tấn lúa trong vụ sản xuất quan trọng nhất năm là lý do khiến các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương chủ động chuẩn bị sản xuất khá sớm; nhất là công tác quản lý, kiểm soát cơ cấu giống.

 

Cán bộ Trạm Giống huyện Ðiện Biên chuẩn bị giống lúa IR64 cho vụ đông xuân 2017 - 2018.

Ông Trịnh Quốc Cường, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Tuân thủ cơ cấu giống là điều kiện tiên quyết để có một vụ lúa thắng lợi. Vụ đông xuân năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, căn cứ vào điều kiện sản xuất cụ thể của từng địa phương để lựa chọn và sử dụng bộ giống lúa thích hợp sản xuất đại trà. Ðịnh hướng ưu tiên các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn. Vụ này, giống lúa chủ lực là Bắc thơm số 7 và IR64; giống lúa bổ sung là các giống lúa thuần, lúa lai năng suất cao đã có thời gian trồng thử nghiệm để mở rộng diện tích vùng thâm canh sản xuất lúa hàng hóa. Khuyến cáo người dân không sử dụng giống không rõ nguồn gốc, giống chưa được kiểm chứng trên địa bàn vào sản xuất như: BC15, Séng Cù... để tránh rủi ro trong quá trình sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương đặc biệt chú trọng công tác quản lý giống; tuyên truyền, vận động nông dân tuân thủ cơ cấu giống để có một vụ sản xuất an toàn, hoàn thành kế hoạch giao.

Thực tế thời gian qua, tỉnh ta đã có những thiệt hại (mất mùa hoặc năng suất, sản lượng giảm, không đạt kế hoạch giao) bởi người dân không tuân thủ cơ cấu giống. Ðiển hình là vụ đông xuân 2016 - 2017, sản lượng lúa của huyện Ðiện Biên giảm 443,51 tấn so với kế hoạch tỉnh giao và 546,3 tấn so với kế hoạch huyện đề ra là do nông dân vùng lòng chảo tự gieo cấy giống Séng cù (chiếm trên 25% cơ cấu giống toàn huyện); cuối vụ lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông nặng trên diện rộng dẫn đến mất mùa. Tương tự, TX. Mường Lay gieo cấy giống BC15 chiếm 59,6% diện tích, cuối vụ lúa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, mất mùa khiến năng suất chỉ đạt 48 tạ/ha, giảm 12 tạ/ha so với kế hoạch. Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Rút kinh nghiệm vụ đông xuân 2016 - 2017, năm nay, sau khi kết thúc vụ mùa, UBND huyện đã chỉ đạo các xã triển khai công tác chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân, như: cày ải đất, sửa chữa, khơi thông hệ thống kênh mương thủy lợi... Ðặc biệt là công tác chuẩn bị giống vụ đông xuân. Thời điểm này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật phối hợp với chính quyền các xã tổ chức kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở kinh doanh, buôn bán giống - vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Các cơ sở vi phạm về giấy phép, bán các loại giống không rõ nguồn gốc, chất lượng kém đều bị xử lý nghiêm. Ðến trung tuần tháng 12/2017, UBND huyện sẽ tổ chức hội nghị triển khai sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018, thông báo về cơ cấu giống, lịch thời vụ, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất. Sau đó, các xã họp dân triển khai kế hoạch sản xuất, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ cơ cấu giống vụ đông xuân; hạn chế tối đa sử dụng giống Séng cù. Năm nay, huyện Ðiện Biên thực hiện cơ cấu giống từ 60 - 70% giống Bắc thơm số 7, IR64; còn lại là các giống lúa khác. Ngoài ra, tại các xã vùng ngoài: Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng, Pá Khoang, huyện sẽ xây dựng một số mô hình thử nghiệm giống lúa Vai gãy (đòn gãy). Ðây là giống lúa khỏe, khả năng chống chịu thời tiết, sâu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện tiểu vùng khí hậu của các xã vùng ngoài.

Vụ đông xuân năm 2016 - 2017, xã Thanh Chăn gieo cấy giống Séng Cù chiếm trên 40% diện tích, là xã bị thiệt hại nặng nhất của huyện Ðiện Biên. Ông Phạm Minh Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết: Từ bài học vụ đông xuân 2016 - 2017, để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018, xã đã tổ chức họp dân, vận động người dân không đưa giống Séng cù vào sản xuất. Cơ bản nông dân đã cam kết tuân thủ đúng cơ cấu giống. Cùng với đó, xã kiểm tra các điểm kinh doanh, buôn bán giống - vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Kết quả cho thấy, 100% cơ sở đều chấp hành nghiêm quy định, đủ điều kiện kinh doanh.

Theo lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến 30/12 sẽ mở nước để các địa phương triển khai sản xuất vụ đông xuân. Hy vọng rằng, với sự chuẩn bị tốt của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, tỉnh ta sẽ có vụ lúa đông xuân 2017 - 2018 thắng lợi, hoàn thành 100% các chỉ tiêu đề ra.