Huyện Mường Nhé

Khắc phục hạn chế trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Thứ Sáu 10:37 26/01/2018
ĐBP - Những năm qua, thực hiện Quyết định 1722/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện Mường Nhé đã đạt một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các công trình, dự án thành phần hầu hết chậm tiến độ kế hoạch, do vậy cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tập trung tìm giải pháp khắc phục những hạn chế này.

Mục tiêu chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020: Riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3 - 4%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo… Thực hiện chương trình, huyện Mường Nhé được bố trí hàng chục tỷ đồng triển khai thực hiện các công trình, dự án thành phần. Trong đó, vốn dành cho hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn: đường giao thông nông thôn, thủy lợi vừa và nhỏ... và vốn hỗ trợ trực tiếp sản xuất chiếm tỷ trọng lớn. Một số chương trình thực hiện tốt góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, kết quả giải ngân của phần lớn các công trình, dự án chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số công trình, dự án có tỷ lệ giải ngân đạt thấp phải chuyển nguồn sang năm sau, có chương trình phải hủy bỏ dự toán lớn do quá hạn thực hiện. Năm 2017, thực hiện Dự án 1 - Chương trình 30a, huyện được phân bổ kinh phí 16,674 tỷ đồng. Trong đó, vốn sự nghiệp 11,674 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển là 5 tỷ đồng. Thực hiện tiểu Dự án 1 Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện bố trí 2,531 tỷ đồng và giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện. Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2017, các cơ quan chức năng huyện mới đang triển khai khảo sát, lập dự toán. Năm 2017, vốn thực hiện Tiểu dự án 4 hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài là 160 triệu đồng nhưng đến 31/12/2017, nội dung này cũng không thể thực hiện vì trên địa bàn không có lao động đăng ký…

Nguyên nhân việc triển khai các tiểu dự án chậm hoặc chưa thể triển khai được chủ yếu do ban chỉ đạo - cơ quan thường trực thực hiện chương trình từ huyện đến các xã chưa làm tốt trách nhiệm trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, cũng như đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình. Biểu hiện rõ nhất ở nội dung này là năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ cơ sở còn hạn chế, chưa phối hợp với cơ quan cấp huyện, chưa chủ động trong thực hiện các bước đầu tư dự án. Việc lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công của chủ đầu tư còn lúng túng, thiếu kinh nghiệm là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt; chủ đầu tư chưa thực sự chịu trách nhiệm rõ ràng trong công tác giải ngân; năng lực chuyên môn của một số cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện chương trình chưa đáp ứng yêu cầu, việc thực hiện cơ chế, chính sách trong triển khai thực hiện các công trình, dự án chưa linh động, sáng tạo. Quá trình triển khai thực hiện chương trình ở cơ sở có nhiều vướng mắc nhưng chưa được tháo gỡ kịp thời; một số chủ đầu tư chưa chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm, lúng túng trong việc thực hiện nguồn vốn.

Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Việc triển khai một số nội dung chương trình chậm, đặc biệt là trong thực hiện các hợp phần đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở nguyên nhân một phần do thời gian phê duyệt dự án không đảm bảo quy định; hồ sơ thanh toán không đảm bảo trình tự về xây dựng cơ bản hoặc không đảm bảo quy định do Bộ Tài chính ban hành... Ðây cũng là lý do dẫn đến việc sử dụng vốn chương trình thiếu tính hiệu quả gây thất thoát, lãng phí vốn ngân sách Nhà nước, và làm giảm chất lượng các công trình đầu tư. Ðể khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, thời gian tới, UBND Mường Nhé tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng các công trình, dự án kết cấu hạ tầng cơ sở. Trong đó nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng, cán bộ, công chức trực tiếp, gián tiếp thực hiện chương trình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ thi công và công tác giải ngân vốn đầu tư.