Chi trả dịch vụ môi trường rừng

Tạo lực giữ “lá phổi xanh”

Thứ Tư 15:29 07/02/2018
ĐBP - Trước đây một bộ phận người dân sống nhờ rừng còn thờ ơ với rừng, thì kể từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, được hưởng lợi từ rừng, đời sống chủ rừng được cải thiện, thu nhập tăng cao. Vì thế mà ai cũng ra sức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng để ngày càng có thêm nhiều những cánh rừng xanh ngát.


Bà Ðặng Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và đại diện lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Nậm Núa, Nhà máy Thủy điện Nậm Mu 2 ký kết hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Sau hơn 7 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn nước và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ðặc biệt, chính sách này mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân là chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh quản lý và chi trả đúng, kịp thời cho các chủ rừng trên địa bàn thời gian qua đã góp phần tích cực cho các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao đời sống của người dân sống phụ thuộc vào rừng. Trong đó, quản lý bảo vệ rừng là tiêu chí được ưu tiên hàng đầu - Ðó là khẳng định của bà Ðặng Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng khi trao đổi với chúng tôi. Như thể chứng minh cho những lời vừa nói, lần giở cả tập hồ sơ, chứng từ chi trả dịch vụ môi trường rừng dày cả gang tay trong năm 2017, bà Hiền cho biết: Chưa kể số tiền tạm ứng năm 2017 cho các chủ rừng, thì riêng năm 2016 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chi trả hơn 156,7 tỷ đồng cho chủ rừng là cộng đồng dân cư, hộ gia đình và tổ chức. Trong đó, có 790 chủ rừng là cộng đồng dân cư, hộ gia đình quản lý, bảo vệ hơn 206.680ha rừng được nhận số tiền chi trả 128,25 tỷ đồng; 3 chủ rừng là các ban quản lý rừng (Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Chà) quản lý, bảo vệ gần 33.300ha rừng được nhận số tiền chi trả 28,48 tỷ đồng.

Ðược hưởng lợi từ rừng, chủ rừng nâng cao ý thức trách nhiệm trong hoạt động bảo vệ, phát triển rừng. Hiệu quả rõ ràng đó là tình trạng cháy rừng, phá rừng làm nương và khai thác trái phép lâm sản giảm đáng kể, tỷ lệ che phủ rừng tăng lên. Nếu như trước đây công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn do ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng người dân còn hạn chế, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì sau khi triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thì có sự chuyển biến tích cực. Rừng đã giao khoán cho cộng đồng thôn, bản, hộ gia đình, tổ chức đều được quản lý, bảo vệ tốt. Hưởng lợi, có tăng thu nhập từ rừng nên người dân sống phụ thuộc rừng gắn bó, trách nhiệm, tự giác hơn trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Hiện nay, 100% thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng hương ước, quy ước và thành lập tổ bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, kiểm soát rừng.

 

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng xã Hừa Ngài (huyện Mường Chà).

Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Trung bình mỗi năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả từ 2 - 3 triệu đồng/hộ. Một số chủ rừng là cộng đồng thôn, bản như: Tả Ló San (xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé) có mức chi trả 77 triệu đồng/hộ/năm; Thẩm Táng (xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo) có mức chi trả 32 triệu đồng/hộ/năm... Nguồn thu nhập ổn định từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao đời sống người dân, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Tại bản Phiêng Pi A, B (xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo) từ năm 2011 đến năm 2017, cộng đồng quản lý bảo vệ rừng trong bản đã nhận được gần 768,5 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Ngoài sử dụng số tiền 703,3 triệu đồng chi trả cho các hộ tham gia quản lý, bảo vệ rừng; bản thống nhất để lại quỹ cộng đồng gần 38,2 triệu đồng chi cho các hoạt động tuần tra, bảo vệ, phát triển rừng; phòng cháy chữa cháy rừng; rà soát, đo đạc diện tích rừng... Ông Vừ Súa Sỉnh, Trưởng bản Phiêng Pi B, cho biết: Ðược nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, bà con trong bản vui lắm! Ðể giúp bà con sử dụng số tiền này hiệu quả, đúng mục đích; góp phần nâng cao đời sống, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương và cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hướng dẫn bà con ghi chép các khoản, mục chi cho cộng đồng trong công tác bảo vệ, phát triển rừng; thống nhất trong các hộ dân sử dụng quỹ... Nhờ đó, các hộ được nhận tiền đều đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao; tích cực tuần tra, bảo vệ rừng không để diện tích rừng được giao quản lý bị xâm hại, góp phần nâng cao chất lượng rừng.

 

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tập huấn nghiệp vụ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng là tổ chức ở huyện Tuần Giáo.

Còn với Nậm Pồ - một trong những huyện điển hình trong công tác bảo vệ và phát triển rừng nhờ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ðến nay, huyện đã giao khoán cho 128 chủ rừng thuộc 15/15 xã (trong đó, 100 chủ rừng là cộng đồng; 26 hộ gia đình và tạm giao 2 chủ rừng là tổ chức) với gần 51.973ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ năm 2011 đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả gần 73,7 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng. Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Nhờ có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên rõ rệt; công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực khi rừng có “chủ” đều được quản lý và chăm sóc tốt. Vài năm gần đây, nhiều hộ gia đình, chủ rừng không chỉ cam kết bảo vệ tốt diện tích rừng được giao mà còn đăng ký nhận khoanh nuôi thêm nhiều diện tích rừng mới, đăng ký trồng rừng tại các khu vực đất trồng, diện tích nương kém hiệu quả để có nguồn thu nhập ổn định từ rừng. Ðây chính là hiệu quả thiết thực chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại.

Có thể thấy thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ là bước đột phá trong việc giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó trọng tâm là 3 vấn đề cơ bản về môi trường, kinh tế và xã hội; góp phần giảm thiểu mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao chất lượng rừng. Tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và sẽ tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ rừng với chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững cũng như trong việc phát hiện, phòng chống các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Cùng với đó, là cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sống phụ thuộc vào rừng, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.