Phiền nhiễu "tham nhũng vặt" trong thuế, hải quan

Thứ Tư 15:24 11/04/2018
Tình trạng tham nhũng vặt trong ngành thuế, hải quan lại trở thành câu chuyện được quan tâm trong bối cảnh chi phí phi chính thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đang có xu hướng giảm. Bộ Tài chính đang quyết tâm xử lý tình trạng này.

Ngày 9/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo trước thông tin phản ánh tình trạng người dân, doanh nghiệp phải chi tiền “bôi trơn” cho cán bộ Hải quan Hải Phòng khi đến làm thủ tục thông quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

 

Cảnh đưa - nhận chớp nhoáng giữa người làm thủ tục với cán bộ hải quan tại Hải quan Hải Phòng.

Thông tin được nêu trong bài điều tra “Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa – nhận tại Hải quan Hải Phòng” của báo Lao Động cùng ngày.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Tài chính chỉ  đạo Tổng cục Hải quan khẩn trương xác minh, làm rõ nội dung báo Lao động phản ánh về vụ việc tiêu cực nêu trên, xử lý nghiêm các cá nhân có vi phạm và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tiêu cực (nếu có), báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4.

Cùng ngày, Bộ Tài chính đã có các văn bản gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu xử lý vấn đề báo đưa tin liên quan đến những sai phạm trong thực thi công vụ của cán bộ thuế, hải quan.

Ngoài vụ việc trên báo Lao Động, trước thông tin trên báo Tuổi Trẻ về “Bắt giữ một cán bộ cục thuế tỉnh Quảng Ninh vòi vĩnh nhận tiền doanh nghiệp”, Bộ trưởng Tài chính yêu cầu làm rõ, xử lý nghiêm các vi phạm, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính trước 9h ngày 10/4.

Đồng thời, đối với vấn đề chương trình thời sự 19h VTV1 đưa tin “Dày đặc trạm kiểm tra đặt tại Khu kinh tế Cầu Treo gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Tài chính yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẩn trương làm rõ, báo cáo lãnh đạo Bộ phương án xử lý trước ngày 12/4.

Đây là những vụ việc thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Chính phủ đang quyết tâm giảm các loại chi phí chính thức, phi chính thức cho doanh nghiệp.

Những nỗ lực này đã đạt được kết quả cụ thể. Theo báo cáo mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi phí không chính thức đã giảm dần trong thời gian qua. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả “phí bôi trơn” khi làm thủ tục hải quan giảm từ 56,4% năm 2016 xuống 53% năm 2017.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) vẫn lo lắng trước tình trạng tham nhũng vặt trong ngành hải quan.

"Doanh nghiệp lần nào gặp chúng tôi cũng đều than về tham nhũng vặt, chi phí không chính thức này. Mức phí mỗi lần phải chi cho cán bộ hải quan không nhiều nhưng khâu nào cũng phải có và tổng hợp lại là con số lớn", bà Thảo nêu thực tế tại buổi kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Tài chính mới đây.

Tại buổi kiểm tra này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đã truyền đạt ý kiến Thủ tướng nhắc Bộ Tài chính nhiều vấn đề. Trong đó, có vấn đề tiếp tục cải cách, đổi mới tinh gọn bộ máy cán bộ.

Theo đó, hiện số lượng biên chế trong ngành rất nhiều, cần cải cách thêm theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, chuyên nghiệp. “Thủ tướng nói là anh em cố gắng xuống cơ sở nhiều hơn để nắm bắt những khó khăn ở cơ sở, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty trong thực hiện các chính xác”, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết.

Riêng trong ngành Hải quan, Thủ tướng ghi nhận đã cải cách một bước mạnh mẽ, nhưng lưu ý cố gắng quản lý cán bộ hải quan chặt chẽ hơn, hạn chế tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thực thi công vụ với người dân, doanh nghiệp.

"Hải quan phải tiến tới điện tử hoá, kiểm tra hàng hoá trên hệ thống hiện đại thay vì 'tay sờ tay cầm'; thái độ ứng xử của cán bộ hải quan cũng cần thay đổi niềm nở hơn, hoà nhã hơn", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Trước vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho rằng ngành đã cải cách mạnh mẽ nhưng vẫn còn "những con sâu làm rầu nồi canh".

"Không phải một, hai con sâu mà cũng có một nhóm anh em không chịu tu dưỡng đạo đức", ông Cường thừa nhận, đồng thời cho rằng cải cách hành chính mạnh mẽ trong ngành tới đây, như trang bị hệ thống máy soi hiện đại thay vì kiểm tra thủ công, áp dụng chế độ giám sát đặc biệt trong thông quan hàng không… sẽ giảm thiểu hiện tượng này.

Ngoài ra, hải quan tới đây sẽ tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, kiểm tra công vụ, nội vụ. Năm 2018 lần đầu tiên ngành này sẽ thực hiện đề án rà soát từng vị trí việc làm, đánh giá cán bộ công chức nhằm luân chuyển cán bộ không phù hợp. "Lâu nay hải quan vẫn cải cách bên ngoài, tới đây sẽ cải cách nội bộ ngành", lãnh đạo Tổng cục Hải quan hứa.

Hiện tượng sách nhiễu trong ngành hải quan cũng được lãnh đạo Bộ Tài chính xác nhận. "Đúng là có hiện tượng 'ăn vặt' trong lĩnh vực hải quan, nhưng chúng tôi quyết tâm sửa, cải cách lớn", Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.

Về việc xây dựng, tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu quả, Bộ đã làm một bước dài nhưng sẽ đẩy mạnh hơn thời gian tới. Bộ trưởng cho biết về bộ máy của thuế, hải quan, kho bạc, Bộ đã họp nhiều lần và trong tuần tới sẽ quyết định.

“Cục Hải quan tỉnh Điện Biên hiện đang phụ trách 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La nhưng năm ngoái chỉ thu có 16 tỷ tiền thuế, có nên đưa thành chi cục không? Hay 713 chi cục thuế sẽ hướng tới cắt bỏ một nửa. Với ngành kho bạc, sẽ giữ các kho bạc cấp huyện, nhưng bỏ các phòng giao dịch của kho bạc cấp tỉnh. Trong điều kiện đang hiện đại hóa thuế, hải quan, điện tử hóa, chúng tôi đã nhận thức rất rõ vấn đề này”, Bộ trưởng cho biết.