Mùa gieo hy vọng

Thứ Năm 8:32 12/04/2018
ĐBP - 5 giờ sáng, bản biên giới Nậm Ðích (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ) đang chìm trong sương lạnh. Khi con gà trống chân chì chưa kịp cất tiếng gáy báo thức, chào mừng ngày mới, thì trong căn nhà sàn nhỏ, chị Lò Thị Xiên đã dậy nhóm bếp, chuẩn bị bữa sáng cho gia đình. Một lúc sau, anh Thùng Văn Kiêm - chồng chị Xiên cũng dậy, xuống gầm sàn chuẩn bị xe máy, dụng cụ lao động cho một ngày lao động. Sau bữa sáng đơn giản với nắm cơm nếp và ít con cá khô rán. 6 giờ sáng, vợ chồng anh Kiêm - chị Xiên lên đường đi nương, với hành trang chỉ có 2 cái cuốc, 1 chiếc dao phát, vài chai nước và 5kg ngô giống. Lúc này, trong bản bắt đầu rộ lên tiếng chó sủa, tiếng xe máy nẹt bô, tiếng í ới của dân bản gọi nhau đi làm nương. Một ngày mới ở Nậm Ðích bắt đầu.

Sau hơn 30 phút chạy xe máy theo đường mòn men sườn núi, vợ chồng anh Kiêm mới tới được nương nhà mình. Nương của anh Kiêm nằm lưng chừng núi, rộng khoảng 1ha, đã được phát dọn, đốt sạch sẽ và được cày tơi khoảng 3/4 diện tích từ hôm trước. Do đây là nương sản xuất luân canh, sau 3 năm mới quay lại canh tác nên từ đầu tháng 2, vợ chồng anh Kiêm đã phải đi phát nương tranh thủ cái nắng khô hanh và gió Lào để phơi khô những cây tạp, cỏ dại. Ðến cuối tháng 3, đầu tháng 4 đi đốt, làm đất và đợi mưa xuống thì bắt đầu gieo hạt. Nếu là nương mới sản xuất 1 năm thì chỉ cần phát dọn và đốt 3 - 4 ngày trước ngày gieo hạt. Mùa này, người dân bản Nậm Ðích đã trồng xong cây sắn, chuyển sang gieo ngô và chuẩn bị làm đất gieo lúa nương. 

 

Phụ nữ dân tộc Mông làm nương.

Không chút nghỉ ngơi, anh Kiêm - chị Xiên bắt tay ngay vào công việc. Ðầu tiên, anh chị cuốc nốt diện tích đất nương còn lại. Anh Kiêm chia sẻ: Nương mới, đất rất mềm nhưng do dốc quá, không thể dùng trâu cày được nên phải dùng cuốc, phải mất mấy ngày mới cuốc xong mảnh này. Vừa làm, vừa chỉ sang mảnh nương ông Giàng A Khai cách đấy không xa - nơi có khoảng 10 người cũng đang cuốc đất, anh Kiêm nói tiếp: Ở đây, người dân tộc Mông thường làm đổi công cho nhau. Làm lần lượt theo kiểu “cuốn chiếu” hết nương nhà này rồi chuyển sang nương nhà khác. Vì thế nên mặc dù cùng diện tích nhưng mảnh nương nhà ông Khai chỉ 2 ngày cuốc đất là xong. Nhà mình chỉ có 2 vợ chồng nên phải kéo dài hơn.

Sinh sống trên mảnh đất vùng cao, biên giới, địa hình đồi núi điều kiện sản xuất khó khăn nên người dân bản Nậm Ðích đã đúc rút cho mình những kinh nghiệm sản xuất phù hợp và cũng không kém phần độc đáo. Sau khi làm đất xong, người dân dàn hàng ngang để thực hiện khâu tra hạt. Người đi trước cuốc hố, người đi sau đeo 2 bên hông 1 túi ngô giống và 1 túi phân bón nhanh tay thả 3 - 4 hạt ngô giống và 1 vốc phân bón vào hốc rồi lấp đất lại. Nếu hộ ít lao động thì có thể tạo hố hết một lượt rồi quay lại tra hạt, bón phân. Còn nhớ, cũng mùa làm nương năm 2017, tôi có chuyến công tác tại xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa) chứng kiến bà con dân tộc Mông ở đây làm nương. Nhiều phụ nữ Mông mặc váy thổ cẩm sặc sỡ, chân quấn xà cạp nhưng giục trâu, bò cày nương chẳng kém gì đàn ông. Họ cày nương rất thành thạo, lưỡi cày lướt phăm phăm, khi gặp hòn đá chắn đường cày họ nhẹ nhàng nghiêng lưỡi cày, lách qua những hòn đá để tiếp tục công việc. Ở Sín Chải và một số xã lận cận - nơi đá tai mèo nhiều hơn đất nên người dân quý đất như vàng. Họ sáng tạo ra những dụng cụ lao động có thể tra hạt giống trong các khe đá. Ðó là những chiếc cuốc có 2 đầu lưỡi: Một đầu lưỡi dẹt dùng để cuốc đất, đào hốc tra hạt nơi bằng phẳng, ít đá và một đầu nhọn để đào hốc, tra hạt trong các khe đá. Thật ấn tượng và độc đáo.

Nắng đã lên tới đỉnh đầu, người mướt hồ hôi, vợ chồng anh Kiêm và rất nhiều hộ dân vẫn hăng say lao động, đôi chân bước đều nhịp, đôi tay tra hạt đều như vắt chanh ở giữa lưng chừng núi dốc. Trên những mảnh nương gần đó, nhiều người mẹ địu theo cả con nhỏ miệt mài lao động, các em bé say sưa ngủ thi thoảng có đứa khát sữa hoặc giật mình tỉnh giấc, ào khóc thì những người phụ nữ ấy mới dừng lại cho bú hoặc vỗ vỗ ít cái vào mông cho con ngủ rồi tiếp tục guồng quay công việc. Trời quá trưa, vợ chồng anh Kiêm tạm dừng công việc, nghỉ ngơi uống nước dưới tán cây cao. Anh Kiêm quay sang tôi nói: Nhà báo thông cảm, người dân ở đây chỉ chú trọng vào bữa ăn sáng không mấy quan trọng bữa trưa. Nếu nương gần thì trưa về nhà ăn cơm nhưng nương xa thế này thì làm cố cho xong việc rồi về. Anh chịu khó ngồi nghỉ ở đây, đợi tôi gieo nốt 5kg hạt giống rồi cùng về. Nhân lúc nghỉ trưa, tôi hỏi anh Kiêm: Năm nay, nhà anh gieo nhiều ngô không? Anh Kiêm đáp: Năm ngoái, ngô được mùa được giá, tôi gieo 3ha thu được 6 tấn ngô, giá bán 6.000 đồng/kg thu được trên 30 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình có điều kiện mua sắm xe máy, dụng cụ lao động, sinh hoạt. Do đó, năm nay, hầu như hộ nào cũng mở rộng diện tích trồng ngô. Gia đình tôi cũng gieo thêm 1ha. Hy vọng năm nay cũng được mùa như năm ngoái để cuộc sống người dân ấm no.

Thời gian làm nương của người dân tộc thiểu số vùng cao kéo dài khoảng 2 tháng. Trong 2 tháng này, người dân tạm gác mọi công việc để “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” từ sáng sớm tinh mơ đến lúc chiều muộn trên đồi dốc, núi cao hay trên những bãi đá tai mèo. Mùa làm nương, mùa gieo hạt giống cũng là gieo hy vọng, ấm no. Mỗi hạt giống gieo xuống đất đổi bằng bao giọt mồ hôi, mang niềm tin của người dân vùng cao về một năm mưa thuận gió hòa cho mùa vụ bội thu.