Quản lý chợ nông thôn

Cách làm của huyện Ðiện Biên Ðông

Thứ Hai 8:47 14/05/2018
ĐBP - Hiệu quả hoạt động của chợ nông thôn là nội dung được nhiều cấp, ngành trên địa bàn tỉnh ta quan tâm trong thời gian qua. Vấn đề chợ được đầu tư xây dựng nhưng người dân không họp, bị bỏ hoang hoặc sử dụng vào mục đích khác được nhắc nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, đối với huyện Ðiện Biên Ðông, trong khoảng 5 năm trở lại đây, chợ đã thực sự được “sống” đúng với chức năng.

 

Chợ trung tâm xã Mường Luân dự kiến sẽ tiếp tục được mở rộng, nâng cấp trong thời gian tới.

Trao đổi với chúng tôi về quá trình hoạt động và những giải pháp để nâng cao hiệu quả của các chợ nông thôn trên địa bàn, ông Lường Văn Lún, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Giống như các địa bàn vùng sâu, vùng xa khác của tỉnh, với xuất phát điểm kinh tế thấp, hạ tầng giao thông, thông thương khó khăn, điều kiện mua sắm, trao đổi hàng hóa của người dân còn hạn chế. Vì vậy, có thể nói, ở giai đoạn mới được đầu tư, những khu chợ trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông hoạt động không hiệu quả. Ngay như chợ trung tâm huyện, ở thời điểm đó, việc vận hành sao cho đúng với chức năng cũng là một vấn đề khiến huyện… đau đầu! Ban đầu chợ trung tâm được UBND huyện giao cho Phòng Tài chính - Kế hoạch quản lý, rồi sau đó là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, đây là 2 đơn vị vốn có chức năng quản lý Nhà nước, việc điều hành kinh doanh không phải là sở trường và xuất hiện rất nhiều hạn chế. Tiếp tục tìm phương án giải quyết vấn đề “chợ không thành chợ”, huyện giao cho thị trấn Ðiện Biên Ðông quản lý, vận hành. UBND thị trấn khi đó đã thành lập được Ban Quản lý chợ nhưng cơ chế vẫn thuộc diện bao cấp, xin cho, không kích thích được hoạt động của tiểu thương, việc kinh doanh, mua - bán chủ yếu mang tính tự phát. Thậm chí những hộ kinh doanh chỉ mượn danh chợ, chủ yếu bày bán hàng hóa phía ngoài khuôn viên để tránh phí, Ban Quản lý chợ có nhắc nhở thì cũng như “bắt cóc bỏ đĩa”, dẹp chỗ này, họ lại chạy sang họp chỗ khác. Lâu dần, chợ trung tâm huyện trở lại tình trạng “cha chung không ai khóc”. Ðến năm 2013, sau khi cử cán bộ chuyên môn đi học tập, nghiên cứu các mô hình hoạt động của chợ nông thôn của các địa phương khác, UBND huyện nhận thấy để kích thích được tiểu thương tham gia mô hình chợ một cách quy củ, mang lại hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, thì phương án khả thi nhất là giao hạ tầng cho họ làm chủ thông qua một đại diện doanh nghiệp. Và cuối năm 2013, UBND huyện Ðiện Biên Ðông đã ra quyết định, giao toàn bộ hoạt động quản lý, điều hành chợ trung tâm huyện cho Hợp tác xã Thành Long. Kinh phí cải tạo, nâng cấp, sửa chữa được hạch toán với số tiền 700 triệu đồng được huyện khấu trừ trong 5 năm; trừ các loại phí, Hợp tác xã phải đóng góp vào ngân sách 40 triệu đồng/năm.

Sau khi chuyển đổi hoạt động chợ trung tâm huyện Ðiện Biên Ðông từ mô hình quản lý Nhà nước sang xã hội hóa, hiệu quả hoạt động của chợ đã có những chuyển biến tích cực. Thậm chí có người còn so sánh quyết định này giống như khoán 10 năm xưa vậy, bởi khi người dân thực sự được làm chủ tài sản thì đương nhiên trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, ý thức bảo vệ hạ tầng công… được nâng lên. Ðến thời điểm này, sau 5 năm, hết thời hạn khấu trừ nguồn kinh phí nâng cấp, sửa chữa; chợ trung tâm huyện hoạt động theo mô hình hợp tác xã đã có những bước tiến quan trọng,  hoạt động kinh doanh, đời sống của tiểu thương được nâng lên rõ rệt. Với tinh thần sẵn sàng đóng góp cho ngân sách địa phương của hợp tác xã và các xã viên, UBND huyện đang xây dựng phương án nâng nguồn thu từ hoạt động của chợ trung tâm huyện, dự kiến sẽ là 10% lợi nhuận/năm.

Tương tự như chợ trung tâm huyện, chợ Suối Lư (bản Sư Lư, xã Keo Lôm) ban đầu cũng hoạt động thiếu hiệu quả, thậm chí bị sử dụng sai chức năng khi trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng. Từ mô hình chuyển đổi mang tính bước ngoặt của chợ trung tâm huyện, chợ Suối Lư cũng trở thành hợp tác xã chợ từ năm 2014. Ðến nay, ngoài việc đảm bảo đời sống cho hơn 100 hộ kinh doanh, chợ cũng đóng góp cho ngân sách xã 15 triệu đồng/năm. Không những thế, dự kiến khi hết thời hạn 5 năm chuyển đổi, khấu trừ, với hiệu quả trong hoạt động, Hợp tác xã chợ Suối Lư dự kiến nâng đóng góp ngân sách lên 120 triệu đồng/năm.

Là một khu chợ quan trọng trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông khi nằm ở khu vực trung tâm của vùng “3 Luân”, đồng thời là một tiêu chí để hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã Mường Luân. Chợ Mường Luân trong những năm qua đã dần hình thành được cơ chế quản lý theo mô hình hợp tác xã, với lượng xã viên - tiểu thương ngày một nâng lên, hạ tầng cũng thường xuyên được nâng cấp. Ông Lò Văn Thuật, Giám đốc Hợp tác xã chợ Mường Luân chia sẻ: Ðể tiếp tục nâng cao hạ tầng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã chợ, vừa qua chúng tôi đã xây dựng phương án cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, đầu tư xây dựng chợ trung tâm xã Mường Luân với tổng mức đầu tư trên 520 triệu đồng, khấu trừ trong 5 năm. Ðồng thời thỏa thuận giao khoán cho hợp tác xã với mức 15 triệu đồng/năm trong thời hạn 5 năm. Hiện hợp tác xã đang chờ UBND xã Mường Luân và Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện xem xét, phê duyệt.