Hạn chế tranh chấp tại các dự án bất động sản

Thứ Năm 9:11 14/06/2018
Hiện nay, tình hình cư dân khiếu nại, phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản có chiều hướng gia tăng, kéo dài, thậm chí nhiều trường hợp không tìm được phương án giải quyết triệt để, cho dù đã có quy định cụ thể.

Theo tổng hợp báo cáo của 43 địa phương và số lượng đơn thư gửi về Bộ Xây dựng, trong số 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án, có khoảng 40% tranh chấp liên quan phần diện tích sở hữu chung, riêng; 49% tranh chấp liên quan kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; 11% tranh chấp liên quan kinh phí quản lý, vận hành; 28% tranh chấp liên quan chất lượng công trình; 10% tranh chấp về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và một số tranh chấp khác trong quá trình quản lý sử dụng, vận hành. Nhiều dự án được xác định “dính” nhiều lỗi vi phạm.

Các chuyên gia và nhà quản lý đánh giá có năm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Theo đó, một số quy định pháp lý về quản lý, sử dụng nhà chung cư như: cách tính diện tích căn hộ, diện tích lô gia, hộp kỹ thuật, diện tích chung - riêng,… chưa đủ rõ; chế tài xử phạt các hành vi vi phạm chưa phù hợp yêu cầu quản lý. Một số chủ đầu tư chỉ chú trọng việc thu lợi nhuận từ bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng; chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, về nhà ở, kinh doanh bất động sản, về phòng cháy chữa cháy,… Một nguyên nhân khác là do người dân không xem xét kỹ các nội dung thỏa thuận trước khi ký hợp đồng mua bán căn hộ, chưa nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật, đưa ra các yêu cầu không hợp lý, không đúng quy định. Vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện tốt, thiếu tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý sai phạm trong lĩnh vực nhà ở chưa được coi trọng, chưa sát sao dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài… Cuối cùng, phải thấy rằng vai trò của chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư và ý thức, trách nhiệm của các chủ sở hữu còn rất hạn chế, thậm chí bị lợi ích cục bộ chi phối,...

Để giải quyết vấn đề tranh chấp tại các dự án nhà ở, việc phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và đặc biệt là địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết. Thực tế cho thấy, công tác phối hợp hiện nay còn khá lỏng lẻo. Với chức năng quản lý chuyên ngành, Bộ Xây dựng cần chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực nhà ở. Đồng thời, đề xuất Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về lĩnh vực nhà ở, trong đó có quy định về phòng cháy chữa cháy, quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư,... Quan trọng hơn, chính quyền các địa phương cần tiếp tục vào cuộc, phổ biến, tuyên truyền và triển khai nghiêm túc các quy định của pháp luật về nhà ở. Theo thẩm quyền của mình, chính quyền địa phương cần ban hành kịp thời các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể và khung giá dịch vụ về quản lý, vận hành tòa nhà một cách công khai, minh bạch. Ngoài ra, cần kiên quyết xử lý những vi phạm về phòng cháy chữa cháy, thu hồi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định,... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các tranh chấp nảy sinh trong quá trình sinh sống của người dân.