Giảm nghèo tại các huyện 30a còn nhiều thách thức

Thứ Sáu 8:10 29/06/2018
ĐBP - Hiện nay, tỉnh ta có 51.188/124.810 hộ thuộc diện nghèo, chiếm 41,01% tổng số hộ dân cư. Trong đó, hộ nghèo bình quân tại 5 huyện thụ hưởng Nghị quyết 30a (Nậm Pồ, Mường Nhé, Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa và Mường Ảng) chiếm 58,58%, tương đương 30.450/51.980 hộ nghèo. Mặc dù đã giảm được gần 10% so với năm 2015 (năm bắt đầu áp dụng phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều) nhưng để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo ở các huyện 30a xuống mức trung bình của các tỉnh, thành trong cả nước thì còn rất nhiều việc phải làm.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo được UBND tỉnh phê duyệt cuối tháng 2/2018, trong 5 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, chỉ có huyện Mường Ảng, tỷ lệ nghèo đã tiệm cận mức bình quân của tỉnh với 41,04%, đồng thời cũng là huyện 30a duy nhất nằm ngoài tốp 5 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Tuy nhiên, nếu xem xét đến những nhóm có nguy cơ tái nghèo là số hộ cận nghèo, Mường Ảng lại chiếm tỷ lệ cao với 13,07%, đứng thứ 3 toàn tỉnh.

 

Người dân xã Chiềng Sơ (huyện Ðiện Biên Ðông) phát triển kinh tế gia đình từ mô hình VAC.

Ðối với 4 huyện còn lại, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm từ trên 60% đến gần 70%. Cụ thể, Mường Nhé vẫn “dẫn đầu” toàn tỉnh về tỷ lệ hộ nghèo với 69,34% (giảm được 4,68% so với năm 2015). Trong đó, hộ nghèo về thu nhập là 5.805 hộ, nghèo do thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản là 74 hộ. Tiếp theo là Nậm Pồ với tỷ lệ hộ nghèo 63,39% (giảm 8,7%), với số hộ nghèo về thu nhập chiếm 6.048 hộ, thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản 133 hộ. Ðiện Biên Ðông có tỷ lệ hộ nghèo 60,76% (giảm 10,12%), số hộ nghèo về thu nhập 7.353, thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản là 282 hộ. Huyện Tủa Chùa hiện có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 60,1% (giảm 9,57%) với số hộ nghèo về thu nhập là 6.393 và số hộ nghèo do thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản là 104 hộ. Ðối với huyện Mường Ảng, sau 3 năm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 54,91% xuống 41,04%, là huyện có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất trong các huyện 30a của tỉnh; số hộ nghèo do thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cũng thuộc diện thấp nhất khi chỉ còn 2 hộ.

Qua số liệu so sánh từ năm bắt đầu phương pháp tiếp cận, thống kê nghèo đa chiều (2015) đến nay, có thể thấy, trừ huyện Mường Ảng với những điều kiện tự nhiên, giao thông, địa bàn cùng xuất phát điểm thuận lợi hơn các huyện còn lại nên Mường Ảng đã tận dụng tốt để bứt tốc trong công cuộc giảm nghèo. Còn đối với các huyện vùng cao, biên giới còn lại, vấn đề cơ bản khiến các hộ dân vẫn “nghèo bền vững” không hẳn do điều kiện tiếp cận dịch vụ xã hội (bản chất của khái niệm “nghèo đa chiều”) mà là yếu tố thu nhập. Ðiển hình là huyện Mường Nhé, với nhiều cái “nhất” như: tỷ lệ nghèo chung cao nhất tỉnh, nghèo do thu nhập chiếm tỷ lệ lớn nhất, giảm nghèo chậm nhất. Các yếu tố này ràng buộc, tương tác với nhau khiến Mường Nhé gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. Ðiều này thể hiện bằng 1 số liệu so sánh là: Trừ Mường Ảng có một số điều kiện thuận lợi hơn thì so với các huyện 30a còn lại (Nậm Pồ, Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông), huyện Mường Nhé có số hộ nghèo do thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, như vậy đồng nghĩa với việc đầu tư về hạ tầng dịch vụ, y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin ở Mường Nhé không hề thiếu thốn, thấp kém. Ðương nhiên còn những yếu tố khác ảnh hưởng đến công cuộc giảm nghèo ở Mường Nhé như: ổn định dân cư, thiên tai, dịch họa… nhưng vấn đề xuyên suốt vẫn là người dân chuyển biến nhận thức, vận dụng chính sách ra sao để thoát nghèo.

Trao đổi với chúng tôi về công tác giảm nghèo ở địa phương, ông Bùi Xuân Thức, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông chia sẻ: Sau 3 năm, huyện giảm được trên 10% hộ nghèo (đứng thứ 2/5 huyện 30a), cơ bản đáp ứng được yêu cầu kế hoạch giảm trên 3%/năm của tỉnh. Trước hết, phải khẳng định Ðiện Biên Ðông luôn nhận được những ưu tiên về các chính sách giảm nghèo từ Nhà nước, nhiệm vụ của địa phương là triển khai chính sách sao cho đúng, trúng, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ sự “trợ lực” của các chương trình, chính sách ưu đãi của Nhà nước, huyện tích cực triển khai các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo. Ðồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị, xã hội và nỗ lực vươn lên của hộ nghèo. Ðến nay, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn. Ðó là trình độ nhận thức, ý thức của người lao động trên địa bàn chưa cao, sản xuất hàng hóa chưa phát triển, một số ngành nghề sau khi đào tạo chưa phát huy hiệu quả. Các mô hình sản xuất và chăn nuôi mặc dù được triển khai tại các xã nhưng chưa hiệu quả, vấn đề tiêu thụ vẫn chưa có hướng đi bền vững, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Các chương trình giải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập người dân như xuất khẩu lao động, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch giao, số lao động xuất khẩu còn thấp. Ðặc biệt là tâm lý bằng lòng với cuộc sống hiện tại, không quyết tâm vươn lên thoát nghèo của một bộ phận người dân, còn trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách và sự đầu tư của Nhà nước.

Với mục tiêu phấn đấu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 tại các huyện 30a từ 3,5 - 4%/năm, hiện nay các cấp, ngành tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Ðồng thời, hàng năm thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, làm cơ sở để xác định nguyên nhân, nhóm đối tượng nghèo, từ đó có giải pháp cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.