Chủ động phát triển sản xuất thông minh

Thứ Hai 16:31 23/07/2018
Từ đầu năm đến nay, nhiều hoạt động của các cơ quan chức năng, từ trung ương đến địa phương với tinh thần khẩn trương để tận dụng cơ hội nhằm phát triển sản xuất thành công trong thời đại “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Vấn đề đặt ra là cần đánh giá thực trạng để định hướng và tìm giải pháp khắc phục nhằm tận dụng cơ hội phát triển sản xuất thông minh tốt nhất trong thời gian tới.
Sản xuất trong nước bước vào "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" với nền tảng khá thấp. Hiện, chỉ có khoảng 21% số doanh nghiệp dân doanh đang tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trang thiết bị phần lớn mới chỉ đạt cấp độ trung bình của thế giới. Đặc biệt, năng suất lao động - yếu tố quan trọng hàng đầu và góp phần quyết định sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn đứng ở vị trí cuối bảng trong khu vực ASEAN. 

Thực tế trên đòi hỏi chúng ta phải tranh thủ thời gian để tiếp nhận và vận dụng thành công những tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất. Nói cách khác là phải quyết tâm, tỉnh táo để “đi tắt, đón đầu” trong sản xuất, hướng tới mục tiêu sản xuất thông minh; làm ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng đầu vào. Theo đó, mỗi doanh nghiệp cần quan tâm, tìm hiểu, chủ động mua dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ mới để nhanh chóng đưa ra thị trường những sản phẩm mới, chất lượng quốc tế. 

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực nông nghiệp đang chứng kiến sự chuyển dịch khá đều và trên diện rộng về ứng dụng biện pháp canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt, chế biến thủy sản theo tiêu chí xanh - sạch, hiện đại và an toàn cho người sử dụng. Trên thực tế, dường như chưa bao giờ khẩu hiệu “sạch từ trang trại đến bàn ăn” đã lan rộng và tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức như hiện tại. Phong trào sản xuất sạch, đưa ra thị trường sản phẩm sạch đang diễn ra tại hầu khắp các tỉnh, thành phố...

Có thể thấy, về phát triển chiến lược và định hướng vĩ mô, Việt Nam đã xác định mục tiêu sớm hoàn thành công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước khu vực và thế giới; bứt phá để sớm đứng trong danh sách các nước phát triển và nâng cao đời sống người dân... Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu chiến lược nói trên chỉ có thể hiện thực hóa thông qua việc tự nghiên cứu kết hợp với tiếp cận, làm chủ công nghệ tiên tiến và ứng dụng rộng rãi trong các hoạt động sản xuất. 

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ mới để sản xuất thông minh đòi hỏi một quá trình cũng như sự tự giác của mỗi đơn vị. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, dù có nhiều doanh nghiệp chưa định vị được việc cần phải làm để thích nghi trong thời đại 4.0, nhưng không ai có thể đứng ngoài cuộc, cho thấy sự cần thiết tự đổi mới của mỗi đơn vị. Do đó, bộ, các đơn vị hữu quan sẽ tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện sản xuất thông minh.

Sự năng động, ý thức vươn lên phải là những yêu cầu và phẩm chất hàng đầu của đội ngũ doanh nhân, gắn liền với hoài bão của từng lãnh đạo doanh nghiệp. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, dù đội ngũ doanh nghiệp trong nước đang phát triển nhanh về số lượng, một số đơn vị đã xác lập được vị thế trên thương trường, nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn thiếu những doanh nghiệp có tầm vóc đầu đàn, có ảnh hưởng sâu rộng, với sức lan tỏa và tạo dựng được hình ảnh, cũng như niềm tự hào của nền kinh tế...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh, cơ quan hữu quan, nhất là cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần tìm hiểu, nắm bắt và tận dụng cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Đây là yêu cầu có tính lâu dài, xuyên suốt cho cộng đồng doanh nghiệp, cũng là phương cách để tồn tại, phát triển trên thị trường “phẳng” toàn cầu...