Liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm

Thứ Sáu 9:30 31/08/2018
ĐBP - Giúp nông dân hiểu được tầm quan trọng của việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, nhằm đưa sản phẩm lúa gạo phát triển theo chuỗi, tăng thu nhập cho các tác nhân trong chuỗi, đặc biệt là đem lại hiệu quả cao cho nông hộ; vụ đông xuân vừa qua Viện Khoa học Nông - lâm nghiệp Miền núi phía Bắc đã triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình thâm canh lúa chất lượng cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc” tại xã Thanh An, huyện Ðiện Biên. Dự án đã xây dựng thành công mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất lúa, không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập mà còn mở ra hướng sản xuất bền vững...

 

Các hộ dân thu hoạch lúa tham gia thực hiện mô hình.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Chinh, Chủ nhiệm Dự án tại xã Thanh An cho biết: Sản xuất lúa chất lượng cao ở các xã vùng lòng chảo Ðiện Biên thời gian qua đã được nông dân thực hiện. Tuy nhiên, mối liên kết đó dù đã “kéo” được doanh nghiệp vào cuộc từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhưng trên thực tế còn lỏng lẻo, chưa bền vững. Vì lẽ đó mà khi đã có sản phẩm, không ít hộ tham gia liên kết sản xuất đã tự phá vỡ hợp đồng bán cho tư thương bên ngoài để hưởng lợi với giá cao hơn. Hoặc về phía doanh nghiệp cũng đã xảy ra tình trạng tìm cách không thực hiện theo cam kết vì nhiều lý do. Ðiều đó dẫn đến nhiều rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, thua thiệt thuộc về nông dân mà cụ thể ở đây là người trồng lúa. Việc nâng cao nhận thức để người dân hiểu và tuân theo đúng nguyên tắc khi tham gia liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, chúng tôi đã phải trực tiếp làm việc, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp để bà con yên tâm tham gia sản xuất.

Ðể Dự án triển khai thực hiện hiệu quả, Viện Khoa học Nông - lâm nghiệp Miền núi phía Bắc đã khảo sát và lựa chọn thực hiện tại thôn Ðồi Cao và thôn Noong Ứng (xã Thanh An, huyện Ðiện Biên) với quy mô sản xuất 40ha. Mô hình thu hút 200 hộ tham gia sản xuất giống lúa Bắc thơm số 7 theo phương pháp SRI (kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến). Dự án triển khai thực hiện mô hình không chỉ hỗ trợ 100% chi phí về giống, 50% vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà còn giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng, tiếp cận thông tin thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Ðiều này khiến bà con phấn khởi, tin vào dự án và tích cực tham gia. Sau khi thu hoạch, không chỉ năng suất lúa cao hơn so với phương thức canh tác truyền thống mà toàn bộ chi phí “đầu vào” đều giảm. Ông Nguyễn Văn Ðính là 1 trong 200 hộ tham gia mô hình sản xuất lúa liên kết của Dự án, cho biết: Ngoài được cung ứng 100% giống, 50% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chúng tôi còn được cán bộ kỹ thuật của Dự án hướng dẫn biện pháp chăm sóc, nhận biết phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa trong quá trình sản xuất. Nhờ vậy lượng giống, thuốc bảo vệ thực vật phải sử dụng giảm đi rất nhiều lại đỡ tốn nhân công phun, làm cỏ. Với hơn 3.000m2 sản xuất lúa Bắc thơm số 7 theo phương pháp SRI, năng suất đạt gần 70 tạ/ha (cao hơn khoảng 12 tạ/ha so với phương pháp canh tác lúa truyền thống). Sau khi thu hoạch, chúng tôi được Công ty Safe Green Ðiện Biên thu mua toàn bộ với giá 9.000 đồng/kg. Ðiều quan trọng hơn cả là việc liên kết sản xuất giúp tôi cũng như các hộ tham gia mô hình yên tâm mở rộng liên kết với doanh nghiệp để được bao tiêu sản phẩm, không lo “được mùa rớt giá” như nhiều vụ trước.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Giang, cán bộ Dự án - là người trực tiếp bám đồng ruộng hướng dẫn nông dân cho biết: Không chỉ giúp nông hộ tham gia mô hình và trong vùng có kiến thức, kỹ năng sản xuất lúa chất lượng cao thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ; dự án đã xây dựng thành công mô hình liên kết “4 nhà” tại xã Thanh An nhằm đưa sản phẩm lúa gạo phát triển theo chuỗi; nhất là tăng thu nhập cho người dân trực tiếp tham gia sản xuất lúa. Các chi phí sản xuất đều thấp hơn so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Nhất là việc tổ chức nhóm nông hộ sản xuất lúa theo SRI, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác (từ khâu làm đất, làm mạ, bón phân và chăm sóc, phòng trừ dịch hại, điều tiết nước tưới...) trên toàn bộ 40ha của mô hình đã mang lại những hiệu quả kinh tế rõ nét khi năng suất lúa vụ đông xuân năm 2018 đạt 70 tạ/ha, cao hơn năng suất của giống Bắc thơm số 7 ngoài mô hình 12 tạ/ha. Năng suất cao lại tiết kiệm được chi phí “đầu vào” nên hiệu quả của mô hình cao hơn 11,6 triệu đồng/ha so với canh tác ngoài mô hình của dự án; tiết kiệm lượng thuốc bảo vệ thực vật và hạn chế ô nhiễm môi trường. Nhất là dự án đã góp phần tích cực giải quyết được một trong những vấn đề quan trọng của sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng hiện nay là kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Trong năm 2018, nhờ tích cực các hoạt động xúc tiến kết nối liên kết, tiêu thụ sản phẩm, hơn 100 tấn thóc đã được doanh nghiệp thu mua cho người trồng lúa. Tạo dựng được mối liên kết sản xuất bền vững với sự tham gia chặt chẽ và sát sao của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý sản xuất nông nghiệp với các hộ nông dân để thực hiện theo phương thức sản xuất mới, trong đó mỗi nông hộ tham gia mô hình thực sự trở thành những “công nhân nông nghiệp”. Quan trọng nhất là thu nhập của người dân được nâng lên. Ðó là động lực để thay đổi tư duy canh tác nông nghiệp cho nông dân không được tham gia dự án và cũng là “chìa khóa” để nhân rộng mô hình ra các vùng lân cận trong thời gian tới.