Cần định hướng cụ thể để phát triển làng nghề truyền thống

Thứ Hai 9:47 17/09/2018

ĐBP - Với nhiều nét đặc sắc về văn hóa, các làng nghề truyền thống của Ðiện Biên có sức hút không nhỏ đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Ðây được xem là một trong những sản phẩm quan trọng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Nhưng trong thực tế, các làng nghề lại đang phải hoạt động cầm chừng bởi chưa giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm.

 

Mặt hàng dệt thủ công truyền thống được trưng bày, giới thiệu tại Lễ hội Hoa ban. Ảnh: Ðức Kiên

Các sản phẩm thủ công truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh được đánh giá là đa dạng, phong phú, mang đặc trưng của vùng Tây Bắc, như: Dệt thủ công truyền thống, mây tre đan, nghề mộc... Hiện nay, cũng có không ít những làng nghề, hợp tác xã (HTX) với rất nhiều người tâm huyết vẫn duy trì những nghề thủ công truyền thống đó. Có thể kể đến làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm bản Na Sang 2 (xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên); làng nghề sản xuất mây tre đan bản Nà Tấu (xã Nà Tấu, huyện Ðiện Biên); HTX Thêu dệt thổ cẩm dân tộc Thái bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên)… Theo định hướng của tỉnh, mạng lưới tiêu thụ các sản phẩm thủ công truyền thống này sẽ dựa trên tiềm năng du lịch của địa phương. Và đó cũng là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Thế nhưng, các làng nghề này lại đang hoạt động cầm chừng bởi lý do chủ yếu là khó khăn đầu ra cho sản phẩm. Bà Vì Thị Phong, Chủ nhiệm HTX Thêu dệt thổ cẩm dân tộc Thái bản Mển, cho biết: Hiện nay, HTX đang duy trì sản xuất các sản phẩm đặc trưng của dân tộc Thái như: Khăn Piêu, túi Thái, quần áo truyền thống, đệm ngồi… Ngoài ra, HTX tìm tòi, thiết kế làm một số mặt hàng thêu dệt mới, như: Khăn thêu hoa văn dân tộc Lào, khăn rằn, các loại túi thời trang… Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm là vấn đề khiến HTX luôn trăn trở. Dù là bản văn hóa du lịch, lượng khách đến khá đông nhưng chủ yếu là tham quan, trải nghiệm chứ lượng mua không lớn; có tháng bán được, có tháng không. Sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, chị em trong HTX phải mang đến các cửa hàng để chào bán hoặc gửi nhờ bán hộ nhưng cũng không được bao nhiêu. Do vậy, chị em vẫn coi đây là nghề phụ làm thêm lúc nông nhàn chứ khó có thể sống được với nghề… Các làng nghề khác cũng lâm vào tình trạng tương tự khi phải loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Ðặng Minh Phương, phụ trách Phòng Nghiệp vụ - Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Với 19 dân tộc anh em cùng những nét văn hóa đặc sắc, các làng nghề thủ công truyền thống của Ðiện Biên đều có sức hút với du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Do vậy, các cấp, ngành tỉnh đều có phương án khôi phục các làng nghề này để phát triển du lịch cộng đồng, tập trung vào một số bản văn hóa như: Bản Ten, Him Lam 2, Phiêng Lơi, Co Mỵ… Tuy nhiên, thực tế cho thấy các sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương làm ra chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Sản phẩm vẫn còn đơn điệu, lại có sự trùng lặp với các địa phương khác nên khó hấp dẫn khách du lịch. Một số nghề có sản phẩm riêng biệt thì giá thành cao và kén khách, ví dụ như nghề chế tác nhạc cụ… Nói cách khác, các làng nghề truyền thống đang sản xuất cái vốn có chứ chưa làm đúng cái thị trường cần. Khách quốc tế có thể thích các sản phẩm lưu niệm như: khăn Piêu, trang phục truyền thống dân tộc Thái, Mông… nhưng khách trong nước thì thích các sản phẩm vừa là đồ kỷ niệm, vừa có tính ứng dụng cao và mang dáng dấp, đặc trưng của địa phương. Họ cũng thích khăn Piêu, áo Cóm, túi Thái nhưng ít người chọn mua những món đồ ấy. Cái mà họ lựa chọn là những món đồ hữu ích cho cuộc sống như ghế mây của người Khơ Mú hoặc dao rèn của người Mông… Thêm nữa, chúng ta lại đang mất điểm trên chính sân nhà khi có tư tưởng làm ăn chộp giật, thiếu tính chuyên nghiệp. Ðã có không ít phản hồi của du khách khi mua phải sản phẩm dệt thủ công không phải sản xuất tại địa phương mà là hàng công nghiệp. Hay phản ánh về chất lượng gạo Tám thơm Ðiện Biên không đúng như giới thiệu do mua tại cửa hàng kém uy tín. Tuy đó chỉ là vài “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng vô tình làm xấu đi hình ảnh về du lịch, khiến cho du khách dè chừng khi lựa chọn các sản phẩm khi đến Ðiện Biên.

Cũng theo ông Ðặng Minh Phương, nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa nghiên cứu thị trường đầy đủ, chuẩn xác dẫn đến chưa xác định được nhu cầu thực sự của du khách. Ðể tháo gỡ nút thắt quan trọng này, cần có nhiều giải pháp cụ thể, một trong số đó là xem xét liên kết với các công ty lữ hành trong cả nước. Ngoài việc cung cấp lượng khách ổn định, đây còn là kênh tham khảo thông tin về khách hàng chính xác nhất. Bởi họ có thể tư vấn cụ thể du khách thực sự cần sản phẩm gì, muốn mẫu mã sản phẩm như thế nào… để các làng nghề truyền thống có định hướng cụ thể, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu ngày một khắt khe của du khách trong và ngoài nước. Khi đó, các làng nghề mới giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân thì họ mới có thể dành hết tâm huyết cho nghề truyền thống cha ông để lại.