Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Chăn

Chỗ dựa tin cậy của nông dân

Thứ Tư 9:12 31/10/2018

ĐBP - Ðược thành lập từ năm 2005, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) đã giải quyết được nhiều bất cập trong sản xuất nông nghiệp, trở thành chỗ dựa tin cậy bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của thành viên khi gặp rủi ro trong sản xuất.  

 

Nông dân xã Thanh Chăn thu hoạch lúa mùa.

Ông Nguyễn Văn Lệ, Chủ nhiệm HTX DVNN Thanh Chăn cho biết: Sau khi thực hiện chuyển đổi theo quy định của Luật Hợp tác xã, HTX DVNN Thanh Chăn có hơn 1.000 thành viên, 17 đội sản xuất với vốn điều lệ trên 300 triệu đồng. Hoạt động của HTX chủ yếu là quản lý, điều hành sản xuất và 4 khâu dịch vụ hỗ trợ, không mang tính chất kinh doanh, gồm: Cung ứng giống cây trồng; bảo vệ thực vật; thủy lợi, giao thông nội đồng; bảo vệ đồng ruộng. Với 4 dịch vụ trên, HTX thu của các thành viên 60kg thóc/ha với giá 6.500 đồng/kg. Với tổng diện tích HTX quản lý 540ha, trung bình mỗi năm HTX thu được hơn 200 triệu đồng. Số tiền này, HTX dùng để tu sửa kênh mương, giao thông nội đồng, bảo vệ đồng ruộng… Mặc dù còn nhiều khó khăn song HTX đã chủ động huy động vốn, công sức đóng góp của thành viên. Năm 2017, HTX đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Ðiện Biên về việc điều tiết nước phục vụ sản xuất kịp thời vụ, đồng thời huy động thành viên nạo vét kênh mương nội đồng với tổng chiều dài 30km.

Trong chiến lược phát triển kinh tế, xã Thanh Chăn đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dân trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, HTX DVNN Thanh Chăn cũng chú trọng xây dựng kế hoạch giống theo bộ giống đã được cơ cấu để phù hợp với chất đất và khí hậu, đảm bảo cung cấp giống đúng chất lượng và chủng loại. HTX ký cam kết với Trạm Giống nông nghiệp Ðiện Biên và triển khai sản xuất tại đội 7, 11 cung cấp cho trạm giống trên 100 tấn. HTX còn phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện, cán bộ khuyến nông xã thường xuyên nắm bắt tình hình sâu, bệnh, dịch hại trên cây trồng, kịp thời thông báo tới các đội trưởng sản xuất; hướng dẫn các hộ thành viên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Vì vậy, nhiều năm qua đã hạn chế được dịch bệnh trên cây trồng và tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan trên địa bàn. Nhờ sự vận động, hướng dẫn của HTX, không chỉ các thành viên của HTX mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện thâm canh tăng vụ, sử dụng cây giống có năng suất, chất lượng nhằm nâng cao giá trị sản xuất.

Mặc dù HTX DVNN Thanh Chăn đang dần trở thành chỗ dựa tin cậy của nông dân trong sản xuất nông nghiệp song hiện nay diện tích sản xuất của các hộ thành viên còn nhỏ lẻ, không tập trung, tình trạng lẫn tạp trên cánh đồng còn cao dẫn đến việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình cánh đồng mẫu lớn chưa triển khai nhân rộng được. Ngoài ra, HTX chủ yếu thực hiện một số khâu dịch vụ đầu vào cho sản xuất của các hộ thành viên, chưa có dịch vụ đầu ra cho sản phẩm và phát triển ngành nghề. Do vậy, để HTX DVNN xã Thanh Chăn thực sự phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân, ngoài sự quan tâm tạo điều kiện về nguồn vốn, các thành viên cũng mong muốn thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn kiến thức về kinh doanh, thị trường cũng như kỹ năng quản lý, điều hành cho cán bộ quản lý của HTX.