Bên lề Quốc hội

Nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức

Thứ Ba 9:45 06/11/2018

Phiên thảo luận tại hội trường về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp đa chiều của các đại biểu. Bên hành lang Quốc hội ngày 5-11, các đại biểu đã chia sẻ ý kiến xung quanh việc nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức khi tham gia CPTPP.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Bình Phước): Tăng năng suất lao động và tăng giá trị hàng hóa

Việc tham gia CPTPP sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn là thách thức. Tuy nhiên, để tận dụng những lợi thế đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải lưu tâm một số thách thức. Đó là việc, trong quá trình triển khai hiệp định, chúng ta không được lợi nhiều về thuế suất ưu đãi về xuất - nhập khẩu với các nước thành viên. Tiếp đến về vấn đề cạnh tranh, tham gia hiệp định sẽ làm tăng năng suất lao động và tăng giá trị hàng hóa, nhưng lại đòi hỏi phải tăng tỷ lệ đầu tư cho khoa học, công nghệ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ không có khả năng đầu tư vào khoa học, công nghệ sẽ dẫn đến khả năng bị phá sản và người lao động sẽ mất việc làm... Đây là một số vấn đề các doanh nghiệp cần đề phòng để tận dụng được lợi thế của mình trong quá trình triển khai hiệp định.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải đồng hành với Nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường bảo vệ an ninh thông tin mạng, mở rộng quan hệ với những doanh nghiệp trong khối các nước tham gia CPTPP.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng): Sẽ mở thêm thị trường mới

Việc phê chuẩn CPTPP sẽ mở thêm thị trường mới ở khu vực châu Mỹ Latinh cho hàng hóa của Việt Nam. Đây là thị trường có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, không khắt khe như thị trường Nhật và thị trường Mỹ.

Đối với thách thức về kinh tế, các lĩnh vực chăn nuôi, thức ăn gia súc và bảo hiểm sẽ gặp khó khăn rất lớn khi tham gia hiệp định. Nhưng ngược lại, với những mặt hàng, ngành hàng như: Dệt may, da giày thì chúng ta có thể tiếp cận được ngay.

Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay trên nền các thỏa thuận, đàm phán về TPP và hiện nay là CPTPP, Việt Nam đã xây dựng các luật như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Đây là hai luật chúng ta đã dựa trên những cam kết trong TPP và CPTPP để xây dựng. Điều đó cho thấy khả năng xây dựng thể chế của chúng ta đã và đang tiếp cận dần với kinh tế quốc tế.