Chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô

Thứ Hai 9:56 25/02/2019

ĐBP - Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, mùa khô năm 2018 - 2019, thời tiết tại nhiều địa phương trên cả nước có diễn biến phức tạp, khô hạn sẽ diễn ra trên diện rộng và kéo dài, nhất là các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, vì vậy nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Trước tình hình đó, ngày 30/10/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 8471/BNN-TCLN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô 2018 - 2019. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong PCCCR. Trên địa bàn tỉnh ta, mùa hanh khô còn có gió phơn Tây Nam (gió Lào) khiến thời tiết khô, nóng. Thêm nữa, mùa gió Lào cũng là mùa đốt nương của người dân tộc thiểu số, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng và cháy lan diện rộng. Do đó, công tác PCCCR được các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất xảy ra các vụ cháy rừng.

Ông Phạm Văn Khiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Trước mùa khô 2018 - 2019, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp bảo vệ, PCCCR. Trong đó Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; tổ chức sửa chữa các công trình bảo vệ rừng xuống cấp; hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương theo quy hoạch, tổ chức thường trực 24/24 giờ trong ngày, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCCR cho các đơn vị trực thuộc và các chủ rừng, thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR, huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng. Chính quyền địa phương kiện toàn ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng, PCCCR tại 129 xã, phường, thị trấn có rừng; duy trì hoạt động của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng; yêu cầu các chủ rừng và cộng đồng dân cư thường xuyên tuần tra trên diện tích rừng được giao để phát hiện cháy rừng. Các lực lượng vũ trang tỉnh, Trung đoàn 82 (Quân khu 2) thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR, có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư trang thiết bị, hậu cần, thường trực sẵn sàng với các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 367.428ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,5%. Cơ quan chức năng đã thống kê tình trạng cháy rừng, tần suất xuất hiện các vụ cháy và trạng thái rừng thường xảy ra cháy, xác định toàn tỉnh có hơn 170.000ha rừng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; tập trung chủ yếu ở các huyện: Mường Nhé, Tuần Giáo, Mường Chà, Ðiện Biên Ðông. Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 20 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về PCCCR; gồm 19 vụ cháy rừng, 1 vụ cháy diện tích khoanh nuôi tái sinh, gây thiệt hại 6,31ha rừng đặc dụng, 0,053ha rừng sản xuất...; tập trung chủ yếu tại huyện Mường Nhé với 15 vụ.

Theo cảnh báo của ngành chuyên môn, mùa hanh khô 2018 - 2019 nguy cơ cháy rừng vẫn ở mức cao, do đó chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cần xác định rõ những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng, tổ chức tập huấn nghiệp vụ về quản lý, sử dụng lửa khi đốt nương cho nhân dân trên địa bàn. UBND cấp huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát những điểm thường xảy ra cháy và có nguy cơ cháy cao để cảnh báo, tuyên truyền cho người dân biết phòng tránh. Thời gian người dân tập trung vụ sản xuất trên nương, cán bộ phòng chuyên môn huyện, kiểm lâm viên, bảo lâm xã cần sâu sát cơ sở hướng dẫn người dân cách đốt nương theo quy trình kỹ thuật, tránh rủi ro gây cháy rừng. Trước hết, phải phát huy tối đa trách nhiệm của trên 1.620 tổ, đội PCCCR cấp thôn, bản. Các thôn, bản đưa nội dung bảo vệ rừng vào quy ước, hương ước. Có thể áp dụng hình thức xử lý trừ tiền chi trả từ dịch vụ môi trường rừng, sau đó là phạt bằng tiền nếu vi phạm để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân.

Về phía cơ quan chuyên trách, lực lượng kiểm lâm sẽ tăng cường kiểm tra các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ) trong trường hợp có cháy rừng xảy ra. Tăng cường kiểm tra, rà soát phương án PCCCR ở các cấp và của chủ rừng đảm bảo lực lượng, phương tiện phù hợp với từng khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng, kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng xảy ra, kiên quyết không để xảy ra cháy rừng và cháy lan.