Diện mạo nông thôn mới Mường Phăng

Thứ Năm 8:35 04/04/2019

ĐBP - Trở lại Mường Phăng trong những ngày rộn ràng của mùa du lịch, chúng tôi bất ngờ bởi sự đổi thay của xã. Từng nếp nhà sàn khang trang, từng tuyến đường giao thông mới được cứng hóa, nhà hàng, quán xá tấp nập du khách… mang tới một bức tranh nông thôn hoàn toàn mới ở vùng đất lịch sử này…

 

Sau khi bê tông hóa, nhiều trục đường liên bản ở Mường Phăng còn được trồng hoa hai bên.

Ðến Mường Phăng vào ngày cuối tuần, trên quốc lộ 279B chúng tôi gặp không ít  đoàn khách ngược xuôi vào thăm Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ðược biết, hiện thu nhập của người dân Mường Phăng đạt mức 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn gần 11%. Ðiều đáng mừng nhất là xã đã phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới…

Dù hôm nay không phải ngày làm việc nhưng anh Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng vẫn dành thời gian ngồi chuyện trò với chúng tôi về quá trình giải quyết từng tiêu chí khó của quê hương mình. Câu chuyện bắt đầu từ thời điểm Mường Phăng triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2011. Bấy giờ, xã Mường Phăng mới cơ bản đạt được 6/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới và là xã có xuất phát điểm trung bình trong các xã điểm của tỉnh. Thu nhập bình quân mới đạt 3,5 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp với quy mô nhỏ, lẻ; kết cấu hạ tầng thấp kém không đồng bộ; việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế của nhân dân còn nhiều hạn chế; công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển.

Ðứng trước những khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã xây dựng kế hoạch, phân công và xác định thực hiện các công việc theo thứ tự ưu tiên với các giải pháp cụ thể. Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân triển khai; tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm phát huy lợi thế của các thôn, bản trên địa bàn xã. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, UBND xã phát động phong trào thi đua: “Cán bộ và nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới” thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia; Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xã cũng xây dựng các phong trào thi đua theo chuyên đề… Nhờ đó mà nhân dân các dân tộc trong xã hưởng ứng phong trào thi đua, nhiều hộ gia đình đóng góp sức người, sức của, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, hiến đất vào việc xây dựng nông thôn mới.

Vừa đi trên tuyến đường mới được bê tông hóa, anh Kềnh vừa khoe: Ðoạn đường vào bản Yên 3 này ngày xưa rất khó đi bởi đường lầy lội, gia súc đi lại nhiều tạo thành những hố, rãnh lớn nên người dân có xe máy cũng không đi được, phải gửi nhà người quen ở bản Yên 1, 2. Ðến khi có chủ trương Nhà nước hỗ trợ xi măng, đá để làm đường bê tông người dân mừng lắm, bàn nhau hiến đất, bỏ ngày công để mơ ước bấy lâu sớm thành hiện thực. Và thế là hơn 700m đường Nhà nước và nhân dân cùng làm nhanh chóng được hoàn thiện. Ngoài tuyến đường trên, một số tuyến đường khác cũng được các đoàn thể vận động hội viên quét dọn, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Ðặc biệt, có đoạn còn được trồng hoa hai bên tạo cảnh quan tươi đẹp.

Dừng chân trước lối vào Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi hàng dài những đoàn xe đưa du khách về thăm hầm Ðại tướng. Hai bên đường vào cũng mọc lên san sát những hàng quán bán đồ lưu niệm, sản vật địa phương, phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ cho du khách. Thấy chúng tôi có vẻ ngỡ ngàng, Phó Chủ tịch UBND xã Mùa A Kềnh kiêm luôn “thuyết minh viên”: Kinh tế của xã Mường Phăng chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ dịch vụ - thương mại chỉ chiếm có 2 - 3% và tập trung vào một số hộ ở khu vực trung tâm xã. Nhưng những năm gần đây, phát huy lợi thế, tiềm năng về du lịch, nhiều hộ dân mạnh dạn phát triển các loại hình dịch vụ, như: Homestay, ăn uống, cung cấp sản vật địa phương… Với số lượng lớn du khách, đặc biệt đông vào dịp cuối tuần, đang mang lại nguồn thu không nhỏ cho các hộ dân ở đây. Tuy nhiên, chính quyền xã cũng đang trăn trở làm thế nào để níu chân du khách ở lại lâu hơn, sử dụng nhiều dịch vụ hơn để người dân có thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế. Cùng với du lịch, xã cũng tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, trọng tâm là các giống có năng suất, chất lượng cao, áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến; phát triển hình thức hợp tác liên doanh, liên kết trong cung ứng giống, vật tư, công nghệ sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm… để giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân. Nhờ vậy, khó khăn nhất với xã là tiêu chí số 10 về thu nhập và số 11 về hộ nghèo đã từng bước được tháo gỡ. Ðến hết năm 2018, có 2.674/2.938 người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11%... 

19/19 tiêu chí nông thôn mới đã hoàn thành với 44/49 chỉ tiêu đạt so với quy định, là những kết quả ấn tượng mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng đã cố gắng, nỗ lực trong suốt thời gian qua. Tuy vẫn còn chờ thời gian để xem xét, thẩm định nhưng chúng tôi tin rằng, xã sẽ sớm được đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới để tiếp thêm niềm tin, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.