Nâng cao hiệu quả các hợp tác xã nông nghiệp

Hướng đi của nhà nông

Thứ Tư 9:56 12/06/2019

ĐBP - Thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh ta, nòng cốt là hợp tác xã đã có sự chuyển biến rõ nét, góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội của địa phương như: Ðóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm cho người lao động. Chiếm phần lớn trong tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) ngày càng phát triển theo hướng hiện đại với khoa học kỹ thuật tiên tiến, mục tiêu tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.

 

Ông Quản Bá Mười, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên kiểm tra chất lượng sản phẩm gạo trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: Lan Phương

Những chuyển biến tích cực

Ðến hết năm 2018, toàn tỉnh có 120/196 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Thời gian qua, các HTXNN đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Ðổi mới, phát triển HTXNN góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới đến năm 2020”. Tạo điều kiện cho KTTT nói chung, trong đó có HTXNN hoạt động hiệu quả, năm 2017 UBND tỉnh xây dựng Ðề án “Phát triển kinh tế tập thể tỉnh giai đoạn 2016 - 2020” với tổng kinh phí thực hiện trên 37 tỷ đồng. Trong đó, tập trung triển khai chính sách khuyến khích phát triển liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn, tạo liên kết theo chuỗi “Sản xuất - Chế biến - Tiêu thụ sản phẩm” giữa doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Nhờ đó đã từng bước khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo giá trị hàng hóa cao, tăng thu nhập. Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc chuyển đổi mô hình sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua có sự tham gia tích cực của các HTXNN, tổ hợp tác bằng việc chuyển đổi các hình thức sản xuất, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng giá trị kinh tế trên cùng diện tích sản xuất. Hoạt động của các HTXNN đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, xây dựng Nông thôn mới.

Hiện nay, một số HTXNN đã xây dựng thành công mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế từng vùng, miền với các chuỗi sản phẩm tiêu biểu như: Gạo Ðiện Biên, dứa, miến dong, cá tầm, rau củ quả... Ðiển hình như Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (xã Thanh Yên, huyện Ðiện Biên) thành lập tháng 6/2017, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Ông Quản Bá Mười, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên cho biết: Năm 2017, hợp tác xã được tỉnh phê duyệt dự án cánh đồng mẫu lớn 31ha, các khâu trong chuỗi HTX tham gia đều phát huy hiệu quả. Ðến nay, hợp tác xã đã mở rộng mô hình từ 31ha lên 80ha, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm từ cây lúa. Sản phẩm gạo Tâm Sáng của hợp tác xã đã được chứng nhận theo chuỗi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được đăng ký mã truy xuất nguồn gốc (mã QR) giúp kiểm soát được sản phẩm chính hãng do hợp tác xã cung cấp, góp phần vào việc nâng cao chất lượng, thương hiệu gạo Ðiện Biên. Hiện nay, sản phẩm gạo Tâm Sáng đã được bán tại 23 siêu thị lớn ở Hà Nội như: Vinmart, BigC... và thị trường các tỉnh phía Bắc như: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh… Năm 2019, hợp tác xã tiếp tục mở rộng diện tích cánh đồng lớn lên 138ha; đầu tư thêm lò sấy, chế biến gạo; tạo điều kiện thu hút thêm nhiều nông dân tham gia hợp tác xã.

Khắc phục những hạn chế

Tuy đã có những chuyển biến tích cực song hiện nay phát triển HTXNN, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế là: thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản còn hẹp; chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương và nội lực của các HTX. Một số HTXNN còn lúng túng trong quá trình tổ chức lại như: Vốn góp của thành viên hạn chế (theo quy định của Luật HTX năm 2012, thành viên tham gia HTX bắt buộc phải có vốn góp, nhưng trên thực tế đa số các thành viên HTXNN không góp vốn điều lệ); quá trình giải thể để tổ chức lại theo Luật HTX 2012 còn khó khăn; tỷ lệ cung ứng dịch vụ của HTXNN với thành viên và các đối tượng không là thành viên còn bất cập...

Nhằm khắc phục những hạn chế, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của HTXNN, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh cần đẩy mạnh các giải pháp nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể; tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên HTX; thực hiện hiệu quả phong trào: “Ðổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, Liên hiệp HTX”, “HTX tiên phong trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới”. Các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế hỗ trợ; tạo điều kiện thuận lợi để thành lập các HTXNN kiểu mới phù hợp xu thế phát triển.