Phát triển chăn nuôi theo nhóm hộ

Thứ Hai 8:18 17/06/2019
ĐBP - Xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) có gần 300 hộ nhưng chỉ có 8,3ha đất ruộng, nông dân chủ yếu gieo trồng trên nương. Thu nhập từ cây trồng thấp, đời sống người dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của xã cao (65%). Chủ trương, giải pháp mà cấp ủy, chính quyền xã Tênh Phông đề ra để cải thiện thực tế này là đẩy mạnh tuyên truyền vận động nông dân chăn nuôi theo hướng tập trung, số lượng quy mô tổng đàn tăng dần, sản phẩm chăn nuôi trở thành hàng hóa, nâng cao thu nhập trong mỗi hộ, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Cụ thể hóa chủ trương trên, mô hình phát triển chăn nuôi theo nhóm hộ đang phát huy hiệu quả tại Tênh Phông. Nhóm hộ tại các thôn, bản có cùng sở thích xây dựng quy ước hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

 

Nhóm hộ ở bản Tênh Phông cùng chăn dắt, bảo vệ gia súc tập trung.

Ông Vàng A Mua, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông cho biết: Hiện nay xã có 4 nhóm hộ chăn nuôi trâu, bò, dê với hơn 100 thành viên tại 5/5 bản. Chăn nuôi theo nhóm thuận tiện cho nông dân chăn thả tập trung, người dân phối hợp trông nom chăn dắt, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật. Chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn cấp trên thuận tiện trong việc tổ chức tập huấn, đào tạo nghề, phổ biến kỹ thuật, cho vay vốn. Một số bản của xã: Huổi Anh, Xá Tự, Ten Hom có bãi chăn thả, lãnh đạo xã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân khai thác tiềm năng của tự nhiên vào phát triển đàn gia súc, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Từ các nguồn vốn Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới, vốn theo Nghị quyết 30a được phân bổ hàng năm, xã hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đầu tư vốn mua con giống, phát triển chăn nuôi gia súc, xóa đói giảm nghèo. Mô hình chăn nuôi trâu, bò theo nhóm hộ của 14 hộ dân ở bản Ten Hom được thực hiện từ năm 2012. Trên tinh thần tự nguyện, có cùng sở thích, nhóm xây dựng quy ước mọi thành viên có trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin về: Tình hình giá sản phẩm chăn nuôi trên thị trường, diễn biến dịch bệnh, phối hợp trông nom, bảo vệ, chăn dắt gia súc. Ðàn gia súc tăng trưởng ổn định, các gia đình trong nhóm hàng năm đều có trâu, bò bán tăng thu nhập. Hiện nay nhóm đang duy trì gần 60 con bò sinh sản, khỏe mạnh phát triển tốt. Ông Mùa Chứ Dầy, thành viên của nhóm chăn nuôi gia súc bản Ten Hom có nhiều trâu, bò tâm sự: Hàng ngày, mỗi gia đình trong nhóm cử 1 lao động cùng đưa trâu, bò lên bãi chăn thả tập trung. Mỗi người trông nom ở một địa điểm khu vực để gia súc không đi xa, không vào nương, vườn phá hoại cây trồng của người dân. Tối cùng nhau lùa đàn gia súc về nhà, lao động tập thể như thế vui lắm. Ðàn gia súc được theo dõi, kiểm soát tình hình dịch bệnh, kẻ xấu không có cơ hội trộm cắp trâu, bò, cây trồng không bị phá hoại. Trường hợp gia đình nào có việc, chủ gia súc được nghỉ, các hộ còn lại sẽ luân phiên thay nhau trông nom, bảo vệ, chăn dắt đàn gia súc của nhóm. Từ việc thả rông gia súc, chăn nuôi nhỏ lẻ, mô hình chăn nuôi theo nhóm hộ giúp nông dân xã Tênh Phông kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ cây trồng, tổng đàn tăng trưởng bền vững, thu nhập của mỗi hộ được nâng lên.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo hướng phát triển chăn nuôi bền vững, đang được nhân rộng tại xã Tênh Phông, trong đó mô hình chăn nuôi theo nhóm hộ đang phát huy hiệu quả. Mô hình phát triển kinh tế hộ, nhưng lao động có tính tập thể, tập trung, tạo sự liên kết chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng dân cư.