Nông sản Việt trước các hiệp định thương mại tự do: Chủ động đón cơ hội lớn

Thứ Năm 9:20 27/06/2019
Tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, khi đó nông sản Việt Nam phải chịu sức ép lớn và chịu sự ràng buộc, khắt khe hơn. Vì vậy, cần có giải pháp mang tính đột phá để đón bắt cơ hội, vượt qua thách thức. 

Đây là nội dung được thảo luận tại Hội nghị “Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 26-6, tại Hà Nội.

 

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến sâu sẽ góp phần nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Cơ hội song hành với thách thức 

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, năng lực sản xuất ngày càng được nâng cao, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế trên thị trường nông sản toàn cầu. Nông sản Việt Nam hiện đã có mặt trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản của nước ta đứng thứ 2 Đông Nam Á và xếp thứ 15 trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước.

Theo Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường, hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do được kỳ vọng mở ra cơ hội mới cho nông nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu...

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, thì những thách thức mà các hiệp định thương mại tự do mang lại là không ít bởi nông sản Việt Nam phải chịu sức ép lớn hơn trong môi trường hội nhập có tính ràng buộc rất cao. Các nước tham gia có thể giảm thuế suất nhưng lại nâng cao các hàng rào phi thuế quan và kiểm soát nghiêm ngặt hơn về chất lượng nông sản...

Đó là thực tế không thể cưỡng và ngay với thị trường quen thuộc Trung Quốc, mới đây, cũng đã đưa ra những yêu cầu cao hơn với nông sản Việt Nam từ kỹ thuật bao gói, điều kiện vệ sinh đến chất lượng sản phẩm.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngày 30-6 tới đây, có thêm 2 hiệp định: Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam sẽ được ký kết. Như vậy, Việt Nam tham gia tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do, cả song phương và đa phương. Đây là những hiệp định mang lại cơ hội rất lớn cho lĩnh vực nông nghiệp vốn còn nhiều dư địa. 

Tuy nhiên, khi tham gia các hiệp định này, ngành Nông nghiệp đối diện với nhiều thách thức. Nông sản Việt Nam gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu đến từ các nước có lợi thế hơn, trình độ phát triển cao hơn. Trong khi việc quản lý và thực thi các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng nội địa. Điều này dẫn tới nguy cơ nông sản Việt đánh mất thị trường nội địa bởi nông sản nhập khẩu đều có chất lượng và độ tin cậy cao với giá cả cạnh tranh. 

Trước những cơ hội và thách thức này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cũng tỏ ra băn khoăn về vấn đề sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ông Phạm S cho hay, theo quy định, vi phạm sở hữu trí tuệ có thể xử lý hình sự, trong khi các quy định về bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quản lý cạnh tranh đối với nông sản trong nước còn tồn tại nhiều yếu kém, chưa theo kịp được với các quy định quốc tế.

Còn ông Nguyễn Như So, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho rằng, tham gia các hiệp định thương mại tự do, thuế suất cắt giảm xuống 0% sẽ tạo áp lực lớn cho ngành chăn nuôi trong nước. Nông sản Việt Nam sẽ chịu cạnh tranh lớn ngay tại thị trường nội địa cả về giá và chất lượng sản phẩm... Việc một số sản phẩm thịt gia súc nhập khẩu có giá rẻ hơn giá sản xuất trong nước xuất hiện tại các siêu thị chính là ví dụ điển hình, là hồi chuông cảnh báo.

Đổi mới tư duy để hội nhập

Vậy làm thế nào để nông dân tận dụng được các cơ hội để vượt qua thách thức và được hưởng lợi nhiều hơn khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do? Về vấn đề này, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đều đồng thuận cho rằng, cần phải đổi mới tư duy hội nhập.

 

Sơ chế vải thiều xuất khẩu tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái, các bộ, ngành trung ương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quy định của các hiệp định thương mại tự do, hàng rào kỹ thuật biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật của các nước để nâng cao nhận thức của nông dân, doanh nghiệp; đồng thời nghiên cứu xây dựng hàng rào kỹ thuật phi thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu. 

Cùng với đó, định hướng để thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp của nông dân thông qua một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký, bảo vệ thương hiệu, áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến cho sản phẩm hàng hóa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tiếp thu kiến nghị của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tăng cường giám sát, đẩy mạnh tương tác nhiều chiều với doanh nghiệp và người dân, lắng nghe những tồn tại, hạn chế để khắc phục và tiếp tục tháo gỡ, tạo sự minh bạch giúp nền kinh tế nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng phát triển bền vững.

Trao đổi về định hướng hội nhập của ngành Nông nghiệp, ông Trần Công Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) kiến nghị: "Ngành Nông nghiệp Việt Nam cần tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, khai thác cơ chế ưu đãi thuế và khắc phục các rào cản kỹ thuật. Đồng thời, tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, giảm dần xuất khẩu thô để gia tăng giá trị các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam".

Để thực sự tận dụng có hiệu quả những cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu cách tiếp cận trong quá trình hội nhập; đồng thời tham mưu Chính phủ cải cách thể chế và chính sách để tạo thuận lợi thúc đẩy môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và bảo đảm tuân thủ các cam kết trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, giúp nền nông nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường và phát triển bền vững trước những rào cản phi thuế quan của các đối tác. 

Thực tế, thời gian qua, nhiều loại nông sản Việt Nam vượt qua được sự kiểm tra khắt khe, yêu cầu cao về chất lượng để đến với những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Liên tục những lô hàng xoài, nhãn, chôm chôm, thanh long, vải... được chiếu xạ rồi xuất khẩu thành công gần đây cho thấy, nếu đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, nông sản Việt chắc chắn sẽ tận dụng được cơ hội mà "chuyến tàu" thương mại tự do mang lại.