Tạo “lực đẩy” trong kinh tế tập thể

Thứ Sáu 9:47 28/06/2019

ĐBP - Hợp tác xã (HTX) được thành lập không chỉ tìm kiếm lợi nhuận, phát triển kinh tế hộ thành viên mà còn vì mục tiêu xã hội, phát triển cộng đồng. Vì thế phát triển kinh tế tập thể, chủ yếu là kinh tế hợp tác là hướng đi đúng trong thời kỳ hội nhập.

 

HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên đưa máy gặt vào hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa.

Nỗ lực đổi mới

Toàn tỉnh hiện có 196 HTX với 11.775 thành viên, tổng số vốn điều lệ xấp xỉ 429,8 tỷ đồng. Bên cạnh số HTX đã tổ chức đăng ký lại theo Luật HTX 2012, các HTX được thành lập mới có tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động gọn nhẹ, phù hợp với sản xuất kinh doanh. Ở huyện Ðiện Biên, nhiều HTX mới thành lập với ngành nghề chủ yếu là kinh doanh, chế biến nông sản, thực phẩm và trồng rau màu; còn tại huyện Mường Ảng các HTX được thành lập thường hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh cây cà phê… Năng động trong cơ chế thị trường, xu hướng hoạt động của các HTX là sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, kết hợp công, nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ.

Hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm đa phần các HTX trên địa bàn tỉnh với 120 HTX ở 2 loại hình chủ yếu là trực tiếp sản xuất và kinh doanh dịch vụ. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động đạt 2,2 triệu đồng/người/tháng. Vài năm trở lại đây đã xuất hiện một số mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh (gạo, dứa, rau củ quả, cá tầm, gia súc, gia cầm...). Tiên phong xây dựng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới đó là HTX nông nghiệp công nghệ cao bản Mé (xã Thanh Hưng, huyện Ðiện Biên). Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch HÐQT HTX Nông nghiệp công nghệ cao bản Mé chia sẻ: HTX có 52 thành viên, tổng số vốn điều lệ hơn 13 tỷ đồng. Chúng tôi xác định, để HTX phát triển phải thích ứng được với cơ chế thị trường và tìm được hướng đi đúng trong sản xuất kinh doanh. Một trong những “mắt xích” quan trọng đó là tìm “đầu ra” cho sản phẩm. Vì vậy, phải phát triển HTX theo mô hình gắn với chuỗi giá trị để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản. Năm 2018, HTX dồn điền đổi thửa 20ha đất trồng lúa, cung cấp 6 tấn giống lúa chất lượng cao, 20 tấn phân hữu cơ cho các thành viên và các hộ dân liên kết, thực hiện cấy 10ha lúa. Toàn bộ diện tích lúa trên được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, giảm khoảng 30% chi phí so với cách làm truyền thống. Hiện nay, hơn 20ha sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn sử dụng cơ giới hóa toàn bộ từ khâu làm đất, làm mạ, cấy lúa và thu hoạch. Ðẩy mạnh liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị lúa chất lượng cao, HTX ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên (sản lượng 250 tấn/năm), giá bán cao hơn thị trường 10%. Năm 2018, tổng doanh thu HTX đạt 3 tỷ đồng, đem lại lợi nhuận 1,5 tỷ đồng, thu hút thêm nhiều thành viên và người lao động tham gia.

Không giống như hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông, lâm nghiệp; các HTX hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn do thực hiện chủ yếu là những công trình dân dụng nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa. Bứt phá vươn lên, các HTX hoạt động trong lĩnh vực này đã tập trung huy động vốn, đầu tư phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, vốn lưu động để mở rộng khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng và thi công công trình. Nhờ đó thu nhập bình quân của thành viên và người lao động tăng lên, năm 2018 đạt 3 triệu đồng/người/tháng.

“Trợ lực” để HTX vươn lên

Do phần lớn các HTX hoạt động trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, năng lực sản xuất kinh doanh hạn chế; trình độ, năng lực của cán bộ quản lý HTX còn thấp, chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh phù hợp lại thiếu sự liên kết, sức cạnh tranh thấp nên chưa thực sự mang lại lợi ích như mong muốn cho các thành viên. Chính vì vậy, quan trọng nhất là cần tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi sản phẩm chủ lực bền vững song hành việc đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ xây dựng dự án vay vốn giúp các HTX tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh. Liên minh HTX tăng cường tư vấn, hỗ trợ các HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về miễn giảm thuế, giao đất, cho thuê đất...; đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để các HTX giới thiệu quảng bá, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cũng như mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phấn đấu mỗi năm bình quân thành lập mới 25 HTX, thu nhập bình quân của người lao động và thành viên đạt 55 triệu đồng/người/năm. - Ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết.

Với những HTX hoạt động sản xuất kinh doanh theo từng ngành, lĩnh vực cần tháo gỡ khó khăn kịp thời bằng các giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Phần lớn các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp do nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị lạc hậu, thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển các hoạt động kinh doanh; khó khăn trong khâu tiêu thụ và tìm kiếm thị trường. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Viên, cho biết: Hiện các HTX nông nghiệp rất cần chính sách hỗ trợ về hạ tầng, hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, nâng cao năng lực quản lý kinh doanh cho cán bộ quản lý HTX, các thành viên và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho lao động kỹ thuật... Chính vì vậy, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung bàn thảo các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động gắn với xây dựng nông thôn mới và Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.