Giúp người dân hiểu hơn về chính sách chi trả DVMTR

Thứ Hai 9:26 01/07/2019

ĐBP - Tuyên truyền giúp người dân hiểu về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Ðể chính sách tới được người dân, nhất là chủ rừng; cả hình thức, biện pháp tuyên truyền… đều đã và đang được đổi mới nhằm thay đổi cách thức tiếp nhận thông tin sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ; với mục đích sau cùng là làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.

 

Chủ rừng xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên) tìm hiểu thông tin về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong buổi chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Chú trọng hình thức tuyên truyền trực tiếp, đó là tổ chức truyền thông tới người dân tại các địa điểm chi trả tiền DVMTR, nhà văn hóa, nhà các trưởng thôn, bản… Từ khi triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tổ chức 225 buổi tuyên truyền phổ biến nội dung chính sách chi trả DVMTR tới các chủ rừng là tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư. Nội dung tuyên truyền là các văn bản mới về chính sách chi trả DVMTR; kết quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn từ khi thực hiện chính sách. Cùng với việc được tiếp nhận thông tin mới trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR; chủ rừng còn được hướng dẫn cách quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR có hiệu quả và đúng mục đích. Hình thức tuyên truyền trực tiếp theo kiểu đối thoại này giúp chủ rừng cũng như người dân nghe tuyên truyền có thể đặt câu hỏi về những vấn đề, nội dung còn thắc mắc; chưa hiểu rõ. Cán bộ tuyên truyền giải thích về chính sách qua đó cũng hiểu hơn tâm tư, ý kiến đóng góp của người dân tại các buổi tuyên truyền để tham mưu với lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đề xuất, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Lò Văn Lâm, bản Cáy, xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng) cho biết: Ðược tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR chúng tôi hiểu rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát triển rừng; trách nhiệm của mỗi cá nhân tham gia bảo vệ rừng. Gia đình tôi nhận khoanh nuôi, bảo vệ 8,15ha rừng sản xuất. Nhờ tăng cường tuần tra, bảo vệ; chăm sóc nên cây rừng phát triển tốt, không để xảy ra cháy rừng hay các hành vi xâm hại rừng. Khi nghe cán bộ tuyên truyền của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thông báo theo quy định, đơn giá chi trả DVMTR được tính theo năm và chi trả theo lưu vực sông có các nhà máy thủy điện hoạt động, vì thế mức đơn giá sẽ không giống nhau. Dù đã hiểu chính sách của nhà nước, song công sức bảo vệ rừng của chúng tôi là như nhau nên việc thanh toán với đơn giá thấp, tôi thấy không thỏa đáng, thậm chí rất thiệt thòi. Chính vì vậy, tôi cùng các chủ rừng trên địa bàn đã đề nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Niềm vui lớn đến với chúng tôi khi cuối tháng 7/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 592 về điều tiết tiền DVMTR năm 2017 từ lưu vực sông Ðà (lưu vực nhà máy Thủy điện Lai Châu) có mức chi trả lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng sang lưu vực sông Mã. Với đơn giá chi trả năm 2018 là 400.000 đồng/ha thay vì chỉ được chi trả hơn 6.000 đồng/ha như những năm trước chưa điều chỉnh, số tiền này đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc cải thiện cuộc sống và đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp.

Cùng với việc tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phát 10.000 tờ rơi; dán, trưng bày 1.500 tờ áp phích tại trụ sở UBND các xã, nhà văn hóa cộng đồng, nhà trưởng các thôn, bản; gần 1.200 cuốn sổ tay chi trả DVMTR để chủ rừng ghi chép nhật ký chi trả tiền; hơn 3.700 cuốn bản tin với nội dung giới thiệu hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, phổ biến chính sách chi trả DVMTR và kết quả thực hiện chính sách trên địa bàn.

Không chỉ đa dạng các hình thức tuyên truyền, đối tượng tuyên truyền cũng được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phân loại để tổ chức tuyên truyền sao cho phù hợp, mang lại hiệu quả cao hơn. Ðó là tăng cường tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR tới những người có uy tín, già làng, trưởng bản, thành viên Ban quản lý rừng cộng đồng do người dân bầu ra… Xác định đối tượng tuyên truyền phù hợp đã giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các thôn, bản tốt hơn; việc huy động người tham gia tuần tra, bảo vệ rừng; phòng chống cháy rừng thuận lợi hơn, người dân ủng hộ, tích cực tham gia. Từ đó giảm thiểu những vụ cháy rừng, xâm hại rừng.