Thiếu vốn khắc phục, đảm bảo an toàn giao thông

Thứ Sáu 8:55 05/07/2019
ĐBP - Diện tích tự nhiên lớn, địa hình chia cắt, kết cấu địa chất rời rạc khiến hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lũ. Trong khi đó nguồn vốn để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông rất hạn hẹp.

Hiện nay, Sở Giao thông - Vận tải được Tổng cục Ðường bộ Việt Nam giao ủy thác quản lý, bảo trì 6 tuyến quốc lộ (QL) với tổng chiều dài 620,9km, gồm: QL6 dài 95km; QL279 dài 17,1km; QL279B dài 11,5km, QL4H dài 240,4km; QL12 dài 188,7km và QL279C dài 68,2km; ngoài ra còn 7 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 180,94km. Năm 2018, hệ thống giao thông của tỉnh bị thiệt hại nghiêm trọng do mưa lũ cụ thể: Trên các tuyến quốc lộ có nhiều điểm bị sạt lở ta luy dương, ta luy âm, một số cầu cống bị hư hỏng tứ nón, hạ lưu; các tuyến tỉnh lộ bị sạt lở ta luy dương, bùn đất tràn lấp mặt đường, rãnh dọc gây ách tắc giao thông. Một số vị trí cầu, cống thoát nước qua đường bị xói lở ta luy âm, hư hỏng nền, mặt đường, xuất hiện ổ gà kích thước lớn gây nguy hiểm cho người và các phương tiện qua lại. Tổng thiệt hại trên các tuyến quốc lộ khoảng gần 50 tỷ đồng, các tuyến tỉnh lộ khoảng 7,3 tỷ đồng.

 

Công nhân Công ty Cổ phần Ðường bộ 2 Ðiện Biên xử lý điểm đen giao thông, kiên cố hóa mái ta luy trên quốc lộ 12, đoạn qua xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên).

Ðến nay, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên tại các điểm xảy ra sự cố, các đơn vị mới chỉ hoàn thành công tác đảm bảo giao thông bước 1 mà chưa thể khắc phục triệt để các hư hỏng, thiệt hại trên tuyến. Ðược biết, hàng năm kinh phí đảm bảo, khắc phục thiệt hại mưa lũ trên các tuyến quốc lộ được trích từ Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương. Do đó, việc bố trí vốn, thanh toán khối lượng hoàn thành đối với công tác đảm bảo giao thông bước 1 trên các tuyến quốc lộ tương đối đảm bảo. Ðối với các tuyến tỉnh lộ, nguồn kinh phí khắc phục thiệt hại, đảm bảo giao thông mùa mưa được trích từ Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương. Nguồn vốn này hạn hẹp nên việc bố trí vốn hàng năm thường không đáp ứng nhu cầu. Ðơn cử năm 2018, tổng nhu cầu vốn để đảm bảo giao thông bước 1 trên các tuyến tỉnh lộ khoảng 7,3 tỷ đồng song UBND tỉnh chỉ phân bổ được khoảng 3,092 tỷ đồng, đạt 42,35% tổng nhu cầu vốn.

Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, năm 2018, tổng kinh phí khắc phục thiệt hại mưa lũ trên các tuyến đường do UBND cấp huyện quản lý khoảng 63,26 tỷ đồng. Ðến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc hót sụt sạt, khơi thông rãnh thoát nước, đảm bảo thông suốt. Ðối với các điểm bị thiệt hại nặng cần các biện pháp kiên cố như: Kè, sửa chữa cầu, cống, ngầm tràn qua suối… vẫn chưa thể thực hiện do thiếu kinh phí.

Mùa mưa lũ năm 2018, huyện Tủa Chùa có 8 tuyến giao thông trọng yếu bị thiệt hại, với gần 70 điểm sạt lở ta luy, hỏng mặt đường; tổng thiệt hại ước tính khoảng 30 tỷ đồng. Trong đó, tuyến Sín Chải - Huổi Lóng bị thiệt hại nặng nhất với 36 điểm bị hư hỏng, kinh phí khắc phục sửa chữa khoảng 24,5 tỷ đồng.

Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ Tầng huyện Tủa Chùa cho biết: Công tác khắc phục thiệt hại, đảm bảo giao thông các tuyến đường trên địa bàn được UBND huyện giao cho 2 đơn vị: Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Ban Quản lý dự án các công trình huyện. Tổng nguồn vốn được phân bổ gần 10 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 33,33% nhu cầu vốn). Ðến nay, do nguồn kinh phí hạn hẹp, các đơn vị mới thực hiện các công việc cơ bản như: hót sụt, sạt, khơi thông rãnh thoát nước, cơ bản đảm bảo giao thông thông suốt. Ðối với điểm bị thiệt hại lớn như: Tại Km6 + 200, Km9 + 300, Km22 - Km23, Km24 + 700 trên tuyến Sín Chải - Huổi Lóng bị sạt lở ta luy dương cần kinh phí khắc phục khoảng 19 tỷ đồng hoặc tại Km0 + 300 trên tuyến Cáng Phình - Chẻo Chử Phình bị sụt lún mặt nhựa đường, gãy rãnh bê tông xi măng, đổ kè bê tông cốt thép… các cấp thẩm quyền cần sớm cấp vốn để thực hiện.

Từ đầu năm 2019 đến nay, ước tính thiệt hại do mưa lũ trên các tuyến quốc lộ khoảng 7,6 tỷ đồng; trên các tuyến tỉnh lộ khoảng 1,65 tỷ đồng. Ðến nay, công tác đảm bảo giao thông bước 1 đã hoàn thành nhưng nguồn kinh phí vẫn chưa được bố trí. Ông Ðỗ Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Ðể công tác khắc phục thiệt hại, đảm bảo giao thông mùa mưa lũ kịp thời, hiệu quả, Sở Giao thông - Vận tải đã kiến nghị với Tổng cục Ðường bộ Việt Nam và UBND tỉnh bố trí tạm ứng một phần kinh phí đảm bảo giao thông ngay từ đầu năm để có nguồn ứng cho các đơn vị dự trữ vật tư, nhiên liệu, huy động máy móc thiết bị. Hàng năm, cần xem xét bố trí nguồn để xử lý “điểm đen”, kiên cố mái ta luy, sửa chữa hư hỏng, bổ sung hệ thống an toàn giao thông và cấp đủ vốn thanh toán cho đơn vị thực hiện đảm bảo giao thông.