Tân Phong chưa thể an cư

Thứ Năm 9:19 11/07/2019

ĐBP - Ðã gần 3 năm tái định cư theo Ðề án Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên (gọi tắt là Ðề án 79) nhưng đời sống của 50 hộ đồng bào dân tộc Mông ở bản Tân Phong, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo 100%. Cơ sở hạ tầng của bản chưa được đảm bảo cũng là rào cản đối với việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây.

 

Một góc bản Tân Phong, xã Mường Nhé.

Trưởng bản Giàng A Sáu chia sẻ: “Năm 2017, bản tôi được chính quyền vận động di cư từ điểm Tá Phì Chà (thuộc bản Húi To, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé) về đây an cư. Ngày đầu về đây, dân bản phấn khởi lắm, ai cũng tin tưởng về nơi ở mới sẽ đảm bảo đời sống, phát triển kinh tế hơn nơi ở cũ. Thế nhưng đến tận bây giờ, đời sống bà con trong bản vẫn chưa khấm khá hơn là mấy, nhiều hộ thấp thỏm, có ý định bỏ đi nơi khác sinh sống...”.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản, anh Giàng A Sáu chỉ tay về những nương lúa, nương ngô trồng trên đất dốc, xen kẽ những mái nhà tranh lụp xụp, rồi nói: “Bản tôi có địa hình không thuận lợi, chỉ toàn đất dốc. Mỗi hộ có từ vài trăm mét đến hơn 1ha để canh tác. Với địa hình này, chỉ gieo trồng được lúa nương và ngô 1 vụ/năm. Chất đất xấu nên năng suất, chất lượng kém lắm! Vì thế dân bản tôi cứ nghèo đói quanh năm, nhiều hộ chịu khó lao động mà cũng không khá lên được”.

Khó phát triển kinh tế nên nhiều hộ dân trong bản Tân Phong có ý định bỏ đi nơi khác sinh sống. Theo thống kê của trưởng bản, thời điểm cuối năm 2018 có tới 20 hộ dân rủ nhau bỏ đi. Song được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền xã và huyện, bà con vẫn ở lại bản; nhưng vì không mặn mà với nơi ở mới nên họ bỏ hoang nương rẫy, không chịu canh tác. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hạng A Thào - một trong những hộ có tư tưởng bỏ bản đi nơi khác. Ông Thào kể: “Gia đình tôi có 6 khẩu, trong đó 4 người ở độ tuổi lao động. Vì không đủ đất canh tác, đất đai lại bạc màu nên đói lắm! Trông chờ vào trợ cấp của chính quyền không thể đủ ăn, chúng tôi chỉ muốn đi nơi khác sinh sống”.

Thấy bà con bỏ bê lao động, Trưởng bản Giàng A Sáu cũng rất trăn trở. Thời gian qua, anh đã nỗ lực vận động một số hộ dân trong bản khai hoang thêm gần 2ha đất nương, mua giống ngô nếp về gieo trồng. Nhưng cây ngô non chưa cao quá đầu gối thì đã bị sâu keo mùa thu phá hoại. Thời điểm chúng tôi có mặt, nhiều nương ngô của bà con bản Tân Phong đã trồng lại lần 2, đang tiếp tục bị sâu keo đục thân, khoét lá.

Không chỉ khó phát triển kinh tế, người dân bản Tân Phong còn thiệt thòi khi sống gần trung tâm huyện Mường Nhé mà vẫn chưa có điện lưới quốc gia, chưa có đường bê tông liên bản và chưa có cầu dân sinh bắc qua suối để đi lại. Cầu tre tạm qua suối Nậm Nhé chỉ vào bản được trong mùa nước cạn. Còn mùa mưa, nước suối ngập trên cầu tạm khoảng 1m, xe đạp, xe máy không thể mang qua suối.

Chập choạng tối, chúng tôi rời bản Tân Phong trên con đường nhầy nhụa bùn đất. Qua suối Nậm Nhé ngoái đầu nhìn lại, bản Tân Phong lọt thỏm giữa bóng tối ảm đạm, vài ánh lửa leo lét trong những ngôi nhà xiêu vẹo. Không điện, không cầu, không đường bê tông và còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, hơn lúc nào hết, người dân bản Tân Phong luôn mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp chính quyền đầu tư cơ sở hạ tầng và nghiên cứu phương án, sản xuất hiệu quả cho bà con để xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng Páo Ly, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé cho biết: Khi về bản mới sinh sống, người dân bản Tân Phong cũng được chính quyền đặc biệt quan tâm, hỗ trợ để phát triển sinh kế lâu dài. Tuy nhiên, do trình độ dân trí thấp nên dù được cán bộ “cầm tay chỉ việc” nhưng bà con vẫn không áp dụng được. Thêm vào đó, do khó khăn về nguồn vốn nên không chỉ bản Tân Phong, mà các bản tái định cư khác trong xã cũng chưa được đảm bảo về cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, giải pháp trước mắt của chính quyền xã Mường Nhé đối với những khó khăn của người dân bản Tân Phong là quan tâm hỗ trợ, ưu tiên các chính sách dân tộc thiểu số và tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên, đảm bảo đời sống trong khi chờ nguồn vốn từ Ðề án 79 được các bộ, ngành Trung ương bố trí, bổ sung.