Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế

Thứ Sáu 8:53 12/07/2019

ĐBP - Năm 2016, lần đầu tiên thu ngân sách trên địa bàn tỉnh vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ đồng và thành tích đó luôn được duy trì trong những năm qua. Có được kết quả đó, bên cạnh sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và nỗ lực của người dân và cán bộ ngành Thuế có sự đóng góp quan trọng của việc thay đổi phương thức quản lý thuế bằng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các quy trình quản lý thuế. Các dịch vụ điện tử như: Khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử… đã mang lại tiện ích cho người nộp thuế; tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. Các ứng dụng quản lý thuế điện tử này được xây dựng, vận hành trên cơ sở ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS).

Ông Dương Duy Bẩy, Trưởng phòng Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh) cho biết: Ứng dụng TMS được triển khai tại Cục Thuế tỉnh từ tháng 9/2014 và hoàn thành đưa vào sử dụng chính thức từ tháng 12/2014. Ðến nay ứng dụng TMS đã đi vào giai đoạn vận hành ổn định đáp ứng 90% nghiệp vụ quản lý thuế. Hàng năm Cục Thuế tỉnh cử nhiều lượt cán bộ tham gia các lớp tập huấn kỹ năng sử dụng khai thác ứng dụng TMS do Trường bồi dưỡng nghiệp vụ Thuế tổ chức. Ngoài ra Cục Thuế tỉnh cũng tổ chức từ 1-3 lớp tập huấn, tập huấn lại, tập huấn bổ sung, tập huấn nâng cao kỹ năng sử dụng, khai thác trên ứng dụng TMS (mỗi lớp từ 25 - 40 cán bộ). Ðến nay 100% cán bộ công chức tại các phòng chức năng, tổ đội chuyên môn nghiệp vụ đều được tham dự các lớp tập huấn tại Tổng cục Thuế cũng như tại Cục Thuế tỉnh. Trong quá trình vận hành, ứng dụng TMS thường xuyên được nâng cấp đáp ứng chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý thuế sửa đổi, bổ sung hàng năm để đáp ứng các chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế. Việc nâng cấp ứng dụng TMS được tiến hành đồng bộ với các ứng dụng khác của ngành Thuế nhằm triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế như: Nâng cấp TMS đáp ứng khai và nộp thuế điện tử, khai điện tử tờ khai cho thuê tài sản, hoàn thuế điện tử; giám sát hoàn thuế, trao đổi và cung cấp thông tin cho cơ quan: Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước…

Việc triển khai ứng dụng TMS đã mang lại hiệu quả thiết thực: Góp phần hoàn thành kế hoạch cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế giai đoạn 2011-2015, là nền tảng để ngành Thuế thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020. Ứng dụng này còn là cơ sở để ngành Thuế mở rộng các dịch vụ điện tử cung cấp cho người nộp thuế; khắc phục tình trạng dữ liệu người nộp thuế không đồng nhất giữa các ứng dụng và tạo thuận lợi trong việc rà soát, đối chiếu, cung cấp dữ liệu cho người nộp thuế. Thông qua ứng dụng, việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công việc giữa các bộ phận hiệu quả hơn; giảm tình trạng quản lý thuế tùy tiện, điều chỉnh dữ liệu không có căn cứ, hạn chế tiêu cực trong quản lý thuế...

Hiện nay, ngành Thuế tỉnh đã triển khai và sử dụng 19 phần mềm ứng dụng vào công tác quản lý thuế như: Quản lý thuế tập trung (TMS); nhóm ứng dụng hỗ trợ công tác thanh tra (TPH,TTR, TPR, iTNK); quản lý ấn chỉ; website ngành Thuế; kiểm tra nội bộ; kho cơ sở dữ liệu ngành Thuế; nhóm ứng dụng quản lý nội bộ (công văn, tài sản, hành chính sự nghiệp, thi đua khen thưởng, thiết bị CNTT); nhóm các ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế: hỗ trợ kê khai, khai - nộp thuế điện tử (ETax), hỗ trợ đọc tờ khai thuế điện tử (eTaxviewer)…

Việc triển khai, quản lý, vận hành ứng dụng CNTT hiệu quả đã phục vụ tốt cho công tác quản lý thuế trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 31/5/2019, toàn tỉnh có 1.042 doanh nghiệp đăng ký kê khai thuế điện tử (đạt tỷ lệ 100%); 100% doanh nghiệp hoàn thành đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế và hoàn thành đăng ký nộp thuế điện tử với các ngân hàng thương mại; khai thuế điện tử các kỳ kê khai đạt 100% và hồ sơ hoàn thuế điện tử đạt 100%. Với những nỗ lực của ngành thuế, cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế trên địa bàn tỉnh, ước thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2019 toàn ngành thực hiện được 550,350 tỷ đồng (đạt 47,9% dự toán pháp lệnh, bằng 111,7% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó: thu nội địa đạt 467 tỷ 385 triệu đồng (45,6% dự toán pháp lệnh); thu tiền sử dụng đất đạt 82,965 tỷ đồng (82,9% dự toán pháp lệnh).