Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp tối ưu

Thứ Năm 8:39 18/07/2019
ĐBP - Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp diễn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp khoanh vùng, dập dịch; hạn chế lây lan dịch bệnh ra diện rộng; tập trung phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm để bảo đảm nguồn cung thay thế thịt lợn; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học để kiểm soát dịch bệnh.

Dịch tả lợn châu Phi khiến 9.378 con lợn của các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 403.204kg. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng, vì số lợn phải tiêu hủy đang biến động từng ngày và có xu hướng tiếp tục tăng khi đầu tháng 7 vừa qua tại Mường Nhé, huyện thứ 10 cũng là huyện cuối cùng trong tỉnh công bố dịch tả lợn châu Phi. Ðiều đó cũng có nghĩa, nếu trong thời gian tới số lợn mắc dịch tả châu Phi chưa dừng lại thì nguy cơ lây lan diện rộng rất có thể xảy ra; số lợn phải tiêu hủy gia tăng, thị trường sẽ thiếu hụt lớn nguồn cung thịt lợn, nhất là vào dịp cuối năm.

 

Nông dân bản Thái, xã Mường Ðăng (huyện Mường Ảng) chăm sóc đàn lợn. Ảnh: Tuấn Anh

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Cùng với việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, sở và các địa phương khuyến khích người chăn nuôi chuyển sang vật nuôi khác, như: gia cầm, thủy cầm, gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) để có nguồn cung thay thế vừa đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Sở đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đàn vật nuôi, tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi trong những ngày thời tiết khắc nghiệt (nắng nóng, mưa lũ, rét đậm rét hại…). Ðối với các vùng, các cơ sở, hộ chăn nuôi lợn chưa bị dịch bệnh, đã công bố hết dịch để tiếp tục duy trì, ổn định đàn lợn; người chăn nuôi phải thực hiện tốt các biện pháp nuôi lợn an toàn sinh học. Ngành cũng quan tâm hỗ trợ các cơ sở, trang trại sản xuất giống lợn đảm bảo an toàn dịch bệnh, duy trì tổng đàn, sản xuất con giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh phục vụ cho việc tái đàn khi công bố hết dịch. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, hướng phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê kết hợp trồng cỏ trên diện tích đất trống, đất trồng trọt kém hiệu quả; thực hiện vỗ béo trâu, bò thịt; phát triển chăn nuôi gia cầm, thủy sản theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, tổng đàn trâu toàn tỉnh đạt 130.000 con, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 2.200 tấn/năm; phát triển đàn bò khoảng 72.500 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 2.100 tấn/năm; 97.000 con dê; 443.176 con lợn, sản lượng thịt hơi 13.335 tấn/năm; 4,5 triệu con gia cầm với sản lượng thịt gia cầm ước đạt 4.300 tấn (phấn đấu từ 2 - 3% số lượng gia cầm chăn nuôi theo quy trình VietGap).

Tuần Giáo là huyện đầu tiên trong tỉnh có dịch tả lợn châu Phi. Ðến thời điểm hiện tại tổng số lợn đã tiêu hủy 598 con, trọng lượng 28.955 tấn. Dù huyện đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi tại các xã: Nà Tòng, Mường Thín và Chiềng Sinh; xã Nà Sáy qua 30 ngày; xã Quài Nưa, thị trấn Tuần Giáo từ 10 - 29 ngày không phát hiện lợn mắc bệnh, chết phải tiêu hủy; song huyện khuyến cáo người chăn nuôi thận trọng khi tái đàn. Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do chăn nuôi nhỏ lẻ nên việc thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học khá khó khăn, chính vì vậy cần phải có sự thay đổi theo hướng giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang chăn nuôi tập trung. Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn dù có xu hướng thuyên giảm, song thực tế số lợn phải tiêu hủy trong tuần vừa qua vẫn còn (11 con, trọng lượng 953kg tại 8 thôn, bản của 4 xã); như vậy có thể thấy nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, phòng cử cán bộ phối hợp cùng chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học: Bố trí hố khử trùng, tiêu độc ở cửa ra vào chuồng trại; định kỳ tối thiểu 1 lần/tuần tổng vệ sinh thiết bị, dụng cụ chăn nuôi khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi; tuyệt đối không sử dụng thức ăn thừa từ nơi khác về chăn nuôi; không mua con giống từ vùng có dịch, vùng trong thời gian chưa công bố hết dịch về tái đàn… Cùng với đó, huyện Tuần Giáo cũng hướng dẫn người dân chuyển sang chăn nuôi các vật nuôi khác (trâu, bò, dê, gia cầm, thủy cầm) nhằm đảm bảo nhu cầu thực phẩm thay thế thịt lợn trong thời gian tới.

Còn tại huyện Mường Nhé, địa phương cuối cùng trong cả tỉnh công bố dịch tả lợn châu Phi vào đầu tháng 7 vừa qua, đến nay 3 xã là: Leng Su Sìn, Sen Thượng và Chung Chải đã có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi với số lượng, trọng lượng lợn phải tiêu hủy vẫn tiếp tục tăng lên. Song song với triển khai các biện pháp cấp bách tập trung dập dịch, ngăn chặn dịch lây lan ra diện rộng; hạn chế nguy cơ bùng phát các ổ dịch tiếp theo; huyện vận động người dân tiêu thụ lợn khỏe mạnh đến tuổi xuất bán để giảm áp lực về dịch bệnh cho người chăn nuôi; đồng thời tạm dừng việc tái đàn khi chưa công bố hết dịch trên địa bàn - ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé khẳng định. Và để bù đắp thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trên địa bàn, huyện khuyến khích, vận động người dân chuyển hướng phát triển chăn nuôi, từng bước thay đổi cơ cấu chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn sinh học; trong đó, chú trọng đảm bảo chất lượng, nguồn gốc con giống để đáp ứng nhu cầu tái đàn của người dân sau khi dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát.