Thu hút hội viên từ những mô hình, cách làm hay

Thứ Năm 8:44 08/08/2019

ĐBP - Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức Hội”, những năm qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa mô hình, câu lạc bộ thu hút tập hợp hội viên. Tùy vào điều kiện thực tế tại cơ sở, các cấp Hội sẽ triển khai xây dựng các mô hình tương ứng phù hợp với hoàn cảnh của hội viên và sát thực với các phong trào thi đua. Từ đó, nâng cao chất lượng hoạt động ở cơ sở, mở rộng thu hút, tạo sự gắn kết giữa các hội viên...

 

Mô hình “Phụ nữ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường”  được hội viên phụ nữ bản Lé, xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay) tham gia tích cực.

Ðể chị em có ý thức tiết kiệm tài chính, giúp hội viên hoàn cảnh khó khăn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số; năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phối hợp với Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam triển khai thí điểm mô hình “Cổ phần Tài chính tự quản (VSLA)” tại xã Thanh Nưa và Mường Phăng (huyện Ðiện Biên). Mô hình được triển khai theo hình thức nhóm tiết kiệm và cho vay tự chủ, độc lập với quy chế do chính các thành viên của nhóm xây dựng. Hoạt động chính của VSLA là tiết kiệm thông qua hình thức mua cổ phần, sau đó khoản tiết kiệm này sẽ được đầu tư dưới hình thức cho các thành viên trong nhóm vay lại. Ðiểm nổi bật của mô hình là việc vận hành rất đơn giản, không phải tính toán nhiều nên chị em dù không biết chữ vẫn có thể tham gia. Ngoài ra, VSLA còn duy trì một quỹ tương hỗ để hỗ trợ các thành viên trong trường hợp khó khăn, khẩn cấp. Chị Lò Thị Thưởng, thành viên mô hình VSLA ở xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) cho biết: Mô hình VSLA tạo ra liên kết chặt chẽ giữa các thành viên, ở đó mỗi người đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Không chỉ tạo cơ hội để chị em học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, VSLA còn tạo ra nguồn vốn vay thường xuyên,

liên tục phù hợp với nhu cầu của các thành viên. Nhờ được tạo điều kiện vay vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi, gia đình chị có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, có thêm điều kiện chăm sóc và nuôi dạy con. Ðây là một trong những cách làm hay để hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số giúp nhau phát triển kinh tế, tăng cường vị thế, vai trò và tiếng nói trong các tiến trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Vì vậy, từ 2 mô hình ban đầu, đến nay mô hình VSLA đã được thành lập tại tất cả các huyện, thị, thành phố với hơn 200 mô hình và trên 5.000 thành viên tham gia.

Với mục đích giúp hội viên xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, giữ gìn hạnh phúc gia đình, Hội LHPN thị xã Mường Lay đã thành lập được 3 mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc” với gần 100 thành viên. Tham gia mô hình đã giúp các thành viên có cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hạnh phúc gia đình, cách chăm sóc, nuôi dạy con, cách ứng xử, giải quyết mâu thuẫn gia đình... giúp chị em xây dựng cuộc sống gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Mặt khác, để giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, cuối năm 2016, Hội đã thành lập mô hình tổ nhóm liên kết làm bánh khẩu xén tại bản Bắc 2, xã Lay Nưa với 15 thành viên. Dưới sự hỗ trợ của Hội LHPN thị xã, các thành viên đã được tập huấn về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được hỗ trợ giới thiệu trưng bày sản phẩm tại các hội chợ thương mại, hướng dẫn xây dựng thương hiệu chuỗi sản phẩm sạch, hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, các thành viên có thêm việc làm cải thiện, nâng cao nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chia sẻ về việc phát triển, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ phụ nữ trên địa bàn những năm qua, bà Nông Thị Thịnh, Trưởng ban Gia đình - Xã hội (Hội LHPN tỉnh) cho biết: Tùy vào điều kiện thực tế tại cơ sở, đối tượng hội viên và mục tiêu của mỗi cuộc vận động, phong trào thi đua, các cấp Hội phụ nữ đã triển khai xây dựng nhiều mô hình tương ứng phù hợp. Ðiển hình như hội viên khu vực thành phố đã thành lập mô hình Câu lạc bộ nữ doanh nhân, Câu lạc bộ phụ nữ đồng cảm. Với hội viên khu vực nông thôn, Hội đã thành lập được các mô hình: “5 không 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, mô hình “Nhà sạch, cổng đẹp”, mỗi hộ gia đình nông thôn có 1 vườn rau sạch và nuôi từ 10 con gia cầm trở lên... Với hội viên đang trong độ tuổi sinh đẻ có mô hình “Phụ nữ không sinh con thứ 3”, phòng chống suy dinh dưỡng, nuôi dạy con tốt; hội viên cao tuổi có mô hình Câu lạc bộ “Bà nội, bà ngoại”. Ngoài ra, Hội còn có mô hình hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, mô hình văn hóa, văn nghệ, trợ giúp pháp lý, phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 1.500 mô hình, câu lạc bộ các loại, thu hút hàng chục nghìn hội viên tham gia sinh hoạt. Ðể giúp các mô hình hoạt động hiệu quả, tránh tình trạng chỉ hoạt động được một thời gian đầu sau khi thành lập rồi bị quên lãng, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, như: Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho ban chủ nhiệm các câu lạc bộ; truyền thông nâng cao nhận thức cho hội viên; ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn vay; tổ chức hội thi, giao lưu học hỏi giữa các mô hình... Nhờ vậy, đa số các mô hình đều được duy trì và hoạt động hiệu quả, thu hút tập hợp ngày càng nhiều hội viên tham gia tổ chức Hội. Ðặc biệt, các mô hình đã mang lại quyền, lợi ích thiết thực cho hội viên, giúp họ có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, ấm no. Ðồng thời, góp phần thực hiệu quả các phong trào thi đua, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.