Chuyện thị trường

Ðang đi lùi hay tiến?

Thứ Sáu 14:57 09/08/2019
Trong suy nghĩ của nhiều người, khi đường bộ và hàng không đang phát triển chóng mặt, thì đường sắt có biểu hiện đi lùi. Theo số liệu sơ kết sáu tháng đầu năm 2019 của Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (VNR), các chỉ tiêu sản lượng và doanh thu đều không đạt kế hoạch. Trong đó, sản lượng chỉ đạt hơn 3.959 tỷ đồng; doanh thu hơn 3.800 tỷ đồng.

Thực tế diễn ra cho thấy, ngành vận tải đường sắt vẫn đang yếu thế trong quá trình cạnh tranh về vận tải cả về hàng hóa và hành khách so với đường bộ, đường thủy và hàng không.

Trong vài năm qua, ngành đường sắt kiên trì thực hiện mục tiêu đóng mới, thay thế dần 800 đến 900 toa xe tuổi thọ từ 14 đến 30 năm. Trước đây, việc đóng mới toa xe được tận dụng hết cỡ, cố gắng "nhồi" càng nhiều càng tốt, nhiều toa kín đặc ghế, hoặc giường ba tầng chật hẹp, nhưng vẫn không thu hút được khách đi tàu. Hiện nay, tư duy quan điểm đã thay đổi, làm sao bố trí giường êm, ghế đẹp, thông thoáng, tiện nghi để mời hành khách quay trở lại đi tàu. Ðường sắt sẽ tiến tới bố trí phòng khách hạng C tại các ga, có các phân khúc phục vụ trên tàu, ghế hạng nhất có thể ngả ngồi thoải mái. Giường nằm bỏ loại ba tầng, chỉ làm hai tầng, có phòng hai giường và bốn giường. Ðến năm 2020, ngành phấn đấu có đưa vào khai thác khoảng 12 đoàn tàu mới với gần 200 toa xe, đến năm 2021 cơ bản thay hết các đoàn tàu cũ, trong đó có một nửa là đóng mới, còn lại là nâng cấp.

Vừa qua, theo bình chọn của hãng tin Sputnik (LB Nga), tuyến đường sắt Thống Nhất đã lọt vào danh sách 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới. Khách đi tàu có thể du lịch trên tàu hỏa, khám phá khung cảnh thơ mộng của Việt Nam qua những ô cửa sổ, tận hưởng cảm giác thoải mái trong những toa giường nằm được lắp điều hòa. Theo khảo sát, lượng khách quốc tế chọn tàu hỏa làm phương tiện đi lại giữa các điểm du lịch ngày càng đông, không chỉ khách lẻ mà cả khách đoàn của các hãng lữ hành. Nhiều hãng đã ký hợp đồng với ngành đường sắt đến tận năm 2021 vì nhu cầu khách du lịch quốc tế muốn trải nghiệm tàu hỏa Việt Nam ngày càng nhiều.

Nhiều hành khách có chung nhận xét, cảm giác khi đi tàu giờ đây khá dễ chịu, từ khâu soát vé đến lên tàu đều thuận lợi, các toa từ giường nằm đến ngồi mềm đều có điều hòa sạch sẽ, mát mẻ, không còn mùi khó tả đặc trưng được gọi bằng cái tên "mùi tàu hỏa" từng ám ảnh người đi tàu. Mỗi vị trí hành khách được bố trí một đèn đọc sách, tích hợp sạc điện thoại bằng cổng USB. Toa xe ghế ngồi có độ ngả phù hợp, có thể điều chỉnh thiết bị để chân phía trước. Ðặc biệt, trên mỗi toa xe ghế ngồi được trang bị một hệ thống gồm bốn ti-vi hiện đại để phục vụ nhu cầu giải trí của hành khách đi tàu. Sự cố gắng cung ứng dịch vụ chất lượng tốt hơn của ngành đường sắt đã đem đến sự thoải mái, hài lòng cho hành khách.

Việc kéo hành khách quay trở lại với đường sắt đòi hỏi một quá trình lâu dài, cách bố trí ít hành khách trong toa khiến lượng khách trước mắt tuy sụt giảm, nhưng đó là bước thay đổi căn bản để nâng cao chất lượng lâu dài, bền vững, là bước tiến phù hợp xu thế cuộc sống. Ðối với mỗi hành khách, cảm nhận sự bình yên trong tiếng tàu chạy rì rầm, được sống chậm giữa nhịp sống hối hả bên ngoài là một trải nghiệm hết sức thú vị.