Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Thứ Tư 9:26 14/08/2019
ĐBP - Hiện nay toàn tỉnh có hơn 203.000 con trâu, bò; khoảng 79.000 con dê, hơn 407.000 con lợn và 4,3 triệu con gia cầm. Ðể ngành chăn nuôi phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố vận động, khuyến khích người dân phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành chăn nuôi.


Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn bò của gia đình ông Vừ Sáy Tú, bản Hô Chim 1, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) phát triển khỏe mạnh, ít dịch bệnh.

Năm 2008, chị Nguyễn Kim Thắng, đội 11, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp theo hướng công nghiệp. Trên diện tích 0,5ha, chị xây 4 dãy chuồng nuôi lợn thịt, vịt thịt và đào ao thả cá. Dãy chuồng lợn rộng 2.000m2 được xây dựng đảm bảo “đông ấm, hè mát”, thường xuyên nuôi 250 - 300 con/lứa, mỗi năm 2 lứa. Khu chuồng vịt rộng 1.200m2, nuôi 1.500 - 2.000 con/lứa, mỗi năm 4 lứa. Ao cá rộng 1.600m2, tận dụng chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá. Từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm chị Thắng xuất ra thị trường khoảng 40 tấn lợn thịt, 12 tấn vịt thịt; tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí, trang trại của chị Thắng thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hướng gia trại của gia đình ông Vừ Sáy Tú, ở bản Hô Chim 1, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) được nhiều người học hỏi kinh nghiệm. Ðàn gia súc của ông Tú có trên 20 con trâu sinh sản và gần 20 con bò thương phẩm. Nhờ chủ động phòng, chống dịch bệnh và chuẩn bị đầy đủ thức ăn khô dự trữ nên đàn gia súc của ông đều khỏe mạnh, sinh sản nhanh và ít bị dịch bệnh. Ông Tú chia sẻ: Muốn chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao thì nông dân phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện nghiêm việc tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho chúng. Hiện nay, diện tích đồng cỏ đã bị thu hẹp nhiều, nên sau khi thu hoạch lúa, cần thu gom rơm rạ để bảo quản làm thức ăn cho gia súc trong mùa mưa, rét; cùng với đó tận dụng diện tích vườn tạp để trồng cỏ voi.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Hiện nay tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh có gần 5 triệu con. Ðể bảo đảm đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân tham gia các mô hình phát triển chăn nuôi hiệu quả, lựa chọn con giống tốt, chú trọng tiêm vắc xin phòng bệnh, đầu tư chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng bền vững. Ðến năm 2018, toàn tỉnh có 12 trang trại nuôi lợn; 11 trang trại gia cầm; 6 trang trại nuôi trâu, bò, dê cùng hàng nghìn mô hình chăn nuôi gia trại hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn như: Ðầu tư phát triển chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ, dẫn tới khó kiểm soát dịch bệnh; việc tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, dẫn tới tình trạng nhiều hộ sản xuất bị tư thương ép giá; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm và chưa đồng bộ; công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi còn khó khăn, nhiều chương trình vẫn dừng ở mô hình, nên khả năng nhân rộng chậm.

Từ thực tế trên, tỉnh ta đã xác định một trong những giải pháp hữu hiệu để phát triển chăn nuôi bền vững đó là tạo lập môi trường kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh đã hỗ trợ các đơn vị sản xuất về đất đai, chính sách vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu, gắn tem, nhãn mác sản phẩm. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã thu hút được 18 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp với tổng vốn đầu tư 5.497 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án của các doanh nghiệp đầu tư theo mô hình trang trại quy mô lớn, hiện đại đã và đang đi vào hoạt động có hiệu quả như: Trang trại chăn nuôi lợn chất lượng cao Quang Lành, quy mô 12.000 con/năm, tổng vốn đầu tư 20,5 tỷ đồng; trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc Huy Toan, quy mô 300 con lợn nái sinh sản, 20 con lợn đực giống và 2.000 con lợn thịt/năm, tổng vốn đầu tư 22,4 tỷ đồng; trang trại chăn nuôi lợn và trồng cây dược liệu tại xã Rạng Ðông (huyện Tuần Giáo), quy mô 3.750 con lợn/năm, tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng...

Theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 23/5/2016 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, đối với lĩnh vực chăn nuôi tỉnh ta đã đề ra mục tiêu tập trung tăng đàn gia súc bình quân hàng năm 4,85%; phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn và gia cầm rộng khắp đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong tỉnh. Ðể đạt được mục tiêu đó, cùng với công tác vận động nhân dân phát triển chăn nuôi; UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh; kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; làm tốt công tác dự báo về giá cả thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó định hướng cho người chăn nuôi kịp thời, hiệu quả.