Giải quyết đến cùng nếu phát hiện gian lận xuất xứ

Thứ Năm 9:07 12/09/2019

Việc gia tăng nhanh các dự án FDI trong ngành lâm nghiệp sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng của các dự án này, cùng với đó là tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hoá...

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/ Đỗ Hương

Ngày 11/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc họp với các Hiệp hội gỗ, lâm sản nhằm đánh giá tình hình chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản những tháng đầu năm 2019 và các giải pháp thúc đẩy chế biến, xuất gỗ, lâm sản năm 2019 và thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay nhu cầu từ thị trường Mỹ với các mặt hàng gỗ từ các quốc gia khác và từ Việt Nam có thể sẽ tăng lên để bù đắp vào phần thiếu hụt hàng hóa do thuế tăng cao từ thị trường Trung Quốc. Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chủ yếu là các sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao nên ngành chế biến gỗ xuất khẩu có cơ hội chuyển đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu nhóm các mặt hàng có giá trị gia tăng, giảm tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu gỗ. 

Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã có hiệu lực từ ngày 1/6/2019. Qua đó, sẽ thúc đẩy các hoạt động thương mại gỗ và sản phẩm gỗ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản vào EU cũng như các thị trường khác.

Triển vọng là vậy, tuy nhiên theo đánh giá của ngành lâm nghiệp, thị trường gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong làn sóng FDI dồn dập vào ngành hàng này.

Đảm bảo nguyên liệu gỗ trong nước cho tốc độ phát triển xuất khẩu của ngành sẽ giúp giá trị tăng cao và bền vững. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo các Hiệp hội gỗ, lâm sản việc gia tăng các dự án FDI sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng của các dự án FDI, nguy cơ về tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường. 

Cùng với đó là nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa để lợi dụng thuế nhập khẩu thấp hơn từ Việt Nam so với từ Trung Quốc sang Mỹ. Việc gian lận này chủ yếu theo hình thức, các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm hoặc bán sản phẩm từ Trung Quốc sau đó sơ chế để xuất khẩu sang Mỹ bằng xuất xứ hàng hóa Việt Nam. Điều này sẽ rất nguy hiểm, gây tổn hại lớn đến ngành gỗ.

Đối với mặt hàng ván dán, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018, xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam vào Mỹ là 189,7 triệu USD, tăng 269,8% so với 2017; 6 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu đạt 108,2 triệu USD, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2018, tăng cao hơn so với mức tăng bình quân xuất khẩu các mặt hàng gỗ vào Mỹ. Vì vậy, cần quan tâm và có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đến quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu mặt hàng ván dán từ Việt Nam và Mỹ.

Liên quan đến việc đảm bảo thực thi quy định của pháp luật trong lĩnh vực chế biến lâm sản, ông Nguyễn Quốc Trị kiến nghị, cần tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện việc chấp hành hồ sơ, nguồn gốc gỗ theo quy định của Bộ NN&PTNT. 

Đồng thời, đề nghị các Bộ: Công Thương, Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy, sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm (C/O) cho một số mặt hàng gỗ có nguy cơ gian lận thương mại. Đề nghị các hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Đồng thời, kịp thời phát hiện và thông báo đến các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, với những diễn biến về thị trường từ đầu năm đến nay, mục tiêu xuất khẩu 11 tỷ USD năm 2019 của gỗ và lâm sản có thể đạt được. Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị, Tổng Cục Lâm nghiệp và Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn báo cáo với Bộ trong tháng 9 này về xu hướng chuyển dịch thương mại, ứng xử như thế nào về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chống gian lận xuất xứ, nhất là đối với sản phẩm gỗ dán. Cần đánh giá kỹ, hiện có bao nhiêu nhà máy sản xuất kinh doanh gỗ dán? Công suất như thế nào? Sản xuất thực chất được bao nhiêu? Nhu cầu sử dụng gỗ dán cho ngành sản xuất trong nước là bao nhiêu?

“Việc Mỹ tăng thuế xuất khẩu đối với gỗ dán Trung Quốc thì đây là cơ hội cho gỗ dán Việt và lượng xuất khẩu tăng lên là bình thường. Tuy nhiên, trước tình trạng mặt hàng hiện đang nghi ngờ có hành vi gian lận thương mại cần xem lại hiện tượng gian lận có hay không và nếu có thì phải giải quyết đến cùng, cần thiết thì cấm xuất ngay”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Bộ NN&PTNT cũng đang tiến hành Dự thảo Nghị định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp để trình Chính phủ nhằm đảm bảo phù hợp với Luật Lâm nghiệp và Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản VPA/FLEGT.

Việt Nam sẽ ổn định độ che phủ rừng là 42%, có 4 triệu ha rừng trồng, trong đó có 3,2 triệu ha rừng sản xuất, nếu như chu kỳ 10 năm thâm canh giống tốt, mỗi năm sẽ có 40-50 triệu m3 gỗ nguyên liệu trong nước. Như vậy, sản lượng nguyên liệu gỗ có thể tăng gấp đôi, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị giá trị ngành này cũng phải tăng gấp 2-3 lần, trong đó, giá trị xuất khẩu tăng gấp 2 lần.