Hạn chế trong hỗ trợ sản xuất giảm nghèo

Thứ Năm 9:24 19/09/2019

ĐBP - Hỗ trợ sản xuất là một hợp phần quan trọng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (bao gồm Chương trình 135/CP và Nghị quyết 30a). Huyện Ðiện Biên Ðông có 13 xã và 3 bản của thị trấn, với tổng số 12.566 hộ (trong đó có 12.020 hộ dân tộc thiểu số) được thụ hưởng từ chương trình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà việc thực hiện hỗ trợ sản xuất tại một số xã vẫn còn những hạn chế, bất cập.

Chính sách hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước có ý nghĩa rất lớn, thế nhưng cách thức và mục đích sử dụng của người dân còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Trong ảnh: Người dân bản Na Sản A, xã Xa Dung chăm sóc bò giống sau khi được hỗ trợ.

Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, đến nay huyện Ðiện Biên Ðông được phân bổ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất gần 52 tỷ đồng. Ðối với Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch vốn Trung ương giao trong giai đoạn 2016 - 2019 là gần 18 tỷ đồng; trong đó vốn phê duyệt thực hiện gần 16 tỷ đồng. UBND huyện đã phân khai cho từng nội dung hỗ trợ và giao cho các phòng, ban chuyên môn trực tiếp quản lý, giám sát việc thực hiện của các xã. Qua hỗ trợ sản xuất góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 70,88% cuối năm 2015 xuống còn 55,48% cuối năm 2018; thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng từ 2,8 triệu đồng/người năm 2010 lên 7,8 triệu đồng/người năm 2018.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác hỗ trợ sản xuất thuộc các chương trình còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt liên quan đến cách thức hỗ trợ. Một số địa phương lúng túng trong việc lựa chọn trồng cây gì và nuôi con gì cho phù hợp với đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ sản xuất của người dân, khiến nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi được hỗ trợ không phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Giai đoạn 2011 - 2015, cách thức hỗ trợ theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là giao quyền cho cấp xã căn cứ vào tình hình thực tế địa phương tổng hợp, báo cáo lên cấp huyện. Trên cơ sở đó, huyện sẽ hợp đồng các đơn vị cung ứng cây, con giống để giao về xã và cung cấp cho người dân. Thế nhưng, cách thức hỗ trợ này có những hạn chế như: Hỗ trợ chưa đúng nguyện vọng người dân, không phù hợp thực tế... gây lãng phí nguồn lực, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Anh Sùng A Sếnh, Trưởng bản Tìa Ghếnh, xã Xa Dung cho biết: Những năm qua, nhận được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, người dân trong bản đã được hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi. Tuy nhiên, nhiều giống cây, con chậm sinh trưởng. Vì vậy, người dân mong muốn thay vì hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi thì đầu tư hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, trường học, nhà ở...

Ngày 2/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1722/QÐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Chương trình có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những hạn chế giai đoạn trước, phát huy tính chủ động của người nghèo, hỗ trợ có điều kiện; đặc biệt thay đổi cách thức hỗ trợ. Ðó là hỗ trợ bằng tiền cho người nghèo tự tìm cây, con giống phù hợp với tình hình thực tế địa phương; sau đó chính quyền xã, cơ quan chuyên môn kiểm tra, xác nhận. Trường hợp người dân không tìm được cây, con giống thì chính quyền địa phương tìm giúp với sự đồng ý của người nhận hỗ trợ. Theo cách thức này thì sẽ đáp ứng được nguyện vọng hỗ trợ “cây gì, con gì” của người dân; bên cạnh đó giá thành sẽ thấp hơn do không qua khâu trung gian. Song trên thực tế không phải người dân nào cũng có khả năng tự đi mua cây giống, vật nuôi. Từ đó, dân lại nhờ xã liên hệ, mua giúp, dẫn đến hiệu quả vẫn chưa cao và người dân mất thêm chi phí khâu trung gian.

Ông Cháng Phỏng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Phình Giàng cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, bằng các nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều hộ được hỗ trợ tiền mặt để mua bò giống. Tuy nhiên, người dân trong xã không liên hệ mua được bò giống do thời điểm được phân bổ tiền vào tháng 7, đúng vào mùa mưa, nên người dân đã nhờ chính quyền xã mua giúp với tổng số 77 con bò; trong đó năm 2018 là 37 con và năm 2019 là 40 con”.

Tuy nhiên, người dân vùng cao có thói quen chăn nuôi thả rông và chỉ có giống bò địa phương mới thích hợp khí hậu, điều kiện chăn nuôi, nhưng bò giống xã mua giúp là bò ở địa phương khác, khả năng thích ứng với tiểu vùng khí hậu ở xã Phình Giàng hạn chế. Ðồng thời, về trọng lượng bò giống nhiều con chưa đạt yêu cầu, con thì thiếu cân, con thì đã quá già...

Một vấn đề phát sinh nữa là việc giao trực tiếp tiền cho người dân tự mua cây giống, vật nuôi dễ xảy ra tình trạng người được hỗ trợ gian dối, mượn trâu bò của hàng xóm, người thân để che mắt chính quyền địa phương kiểm tra, xác thực, rồi sử dụng tiền được hỗ trợ vào mục đích khác, hoặc có mua con giống nhưng chỉ được một thời gian là giết mổ hoặc bán đi lấy tiền sử dụng sai mục đích.

Trao đổi với chúng tôi vấn đề này, ông Bùi Xuân Thức, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Vừa qua, chúng tôi đi kiểm tra tình hình thực hiện hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra phát hiện một số xã vẫn chưa thực hiện tốt công tác hỗ trợ, đặc biệt khâu giám sát hỗ trợ và sau hỗ trợ như xã Phình Giàng, Luân Giói... mặc dù các xã đã thành lập ban giám sát cộng đồng. Ðối với việc người dân sau khi được hỗ trợ rồi bán đi thì hiện nay chưa có quy định nào ràng buộc người dân phải chăn nuôi, sử dụng sản phẩm được hỗ trợ trong thời gian bao lâu.