Mường Ảng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc

Thứ Sáu 9:40 18/10/2019

ĐBP - Những năm gần đây, huyện Mường Ảng là một trong những địa phương được đánh giá thực hiện tốt công tác phát triển lâm nghiệp, nhất là trồng rừng sản xuất. Ðây là hoạt động thiết thực không chỉ tác động lớn đến việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc mà về lâu dài sẽ giúp người dân có thể phát triển kinh tế từ rừng, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Cán bộ Kiểm lâm huyện Mường Ảng cùng người dân phát quang cây bụi, chăm sóc diện tích rừng keo tại xã Mường Lạn.

Sau Ðại hội Ðảng bộ huyện Mường Ảng lần thứ 22, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trên tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện đề ra, mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ, toàn huyện sẽ trồng mới trên 2.000ha rừng sản xuất; UBND huyện đã xây dựng Ðề án Phát triển rừng sản xuất nguyên liệu tập trung năm 2016, định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là Ðề án Trồng rừng sản xuất); đồng thời xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của huyện trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, đầu mỗi năm, Ban Thường vụ Huyện ủy ra chủ trương, thông báo về kế hoạch triển khai, thực hiện công tác trồng rừng sản xuất. Huyện ủy phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên ban thường vụ phụ trách từng xã, tập trung lãnh đạo chuyên đề về công tác trồng rừng sản xuất tập trung; chỉ đạo đảng bộ các xã có đăng ký trồng rừng sản xuất quán triệt chủ trương của huyện đến tất cả các chi, đảng bộ và đảng viên. Bên cạnh đó, huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc một cách quyết liệt để giúp các xã triển khai thành công nhiệm vụ, từ đó tạo tiền đề cho việc triển khai, thực hiện các năm tiếp theo.

Ông Kiều Xuân Hoàng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Trên cơ sở quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh và nhu cầu đăng ký diện tích trồng rừng sản xuất trên địa bàn các xã, UBND huyện đã chỉ đạo phòng giúp UBND các xã rà soát, xem xét làm các thủ tục trình cơ quan chức năng xin điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng cho phù hợp với nhu cầu đăng ký của người dân, đo đạc xác định diện tích cụ thể cho từng xã, bản và từng hộ theo từng lô, khoảnh, hoàn thiện hồ sơ địa chính cho từng hộ. Việc lập hồ sơ thiết kế trồng rừng sản xuất tập trung được triển khai, thực hiện trên toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp còn trống, chưa có rừng. Từ đó nhằm thực hiện đầu tư đúng đối tượng; triển khai đồng bộ giữa trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện, mùa trồng rừng năm 2016 (năm đầu tiên thực hiện Ðề án Trồng rừng sản xuất) được triển khai có hiệu quả với 356,2ha cây keo tai tượng, đạt 118% kế hoạch. Những năm sau đó Huyện ủy, UBND huyện Mường Ảng tiếp tục chỉ đạo các xã tích cực đăng ký trồng rừng sản xuất, triển khai đồng bộ công tác trồng rừng theo kế hoạch, lộ trình đề ra. Trong đó, năm 2017, toàn huyện trồng 398,51ha, đạt 153% kế hoạch giao; năm 2018, toàn huyện trồng 360,38ha, đạt 120% kế hoạch giao, tỷ lệ cây sống đạt 85 - 95%; riêng năm 2019, theo kế hoạch huyện đã trồng gần 300ha rừng sản xuất. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã trồng được 1.500ha rừng sản xuất, phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện đề ra từ đầu nhiệm kỳ là 2.000ha.

Theo ông Kiều Xuân Hoàng, ngoài hỗ trợ kinh phí theo chính sách của Nhà nước, với các hộ tham gia trồng rừng gặp khó khăn về nhân lực, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị, như: Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Huyện đoàn, Phòng Giáo dục và Ðào tạo... huy động dân quân, đoàn viên, thanh niên và học sinh các trường hỗ trợ trồng rừng và làm đường vận chuyển cây giống. Riêng năm 2018, huyện đã huy động trên 2.000 lượt ngày công giúp các hộ dân đào hố, xuống giống và làm 40km đường xe máy để vận chuyển cây giống.

Có thể nói, thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp trên địa bàn huyện Mường Ảng theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện đã đề ra là hoàn toàn phù hợp; khẳng định việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển trồng rừng sản xuất tập trung trên địa bàn huyện là đúng đắn, hợp với nguyện vọng chính đáng của đại đa số nhân dân; đã huy động được cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc một cách rõ nét. Qua đánh giá sơ kết hàng năm của UBND huyện về công tác trồng rừng, đến nay, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị được giao nhiệm vụ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện về phát triển lâm nghiệp đã được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, hàng năm công tác trồng rừng còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tăng thu nhập và dần định hướng người dân phát triển kinh tế từ rừng.