Thêm động lực để người dân giữ rừng

Thứ Sáu 8:18 15/11/2019

ĐBP - Những năm qua, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Mường Nhé đã chi trả tiền hỗ trợ đầy đủ, kịp thời đến người dân, các chủ rừng, hộ nhận khoán rừng; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư... Ðặc biệt, thông qua chính sách này, người dân đã có thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống.

Cán bộ kiểm lâm cùng người dân xã Pá Mỳ tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng.

Theo giới thiệu của cán bộ Khu BTTN Mường Nhé, chúng tôi về bản Nậm Kè - một trong những bản làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng của xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) để tìm hiểu về chính sách chi trả DVMTR. Trao đổi với chúng tôi, Trưởng nhóm Lò Văn Thắng chia sẻ: Hiện nay, người dân trong bản đang quản lý, bảo vệ gần 631,95ha rừng; cộng đồng đã được chi trả tiền DVMTR của năm 2018 là hơn 600 triệu đồng. Chúng tôi rất vui khi thấy rừng ngày một thêm xanh, nhiều chính sách khuyến khích, đầu tư phát triển vốn rừng của Ðảng, Nhà nước đã đi vào cuộc sống. Cộng đồng dân cư bản Nậm Kè đã coi bảo vệ rừng là việc làm thường xuyên. Ðặc biệt, từ khi có thêm chính sách chi trả DVMTR thì mỗi người dân trong bản đều nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn trong việc giữ rừng. Vì thế, năm nào kiểm tra, xác minh diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng để chi trả tiền DVMTR, diện tích rừng do cộng đồng bản quản lý đều đạt. Từ nguồn tiền này, các hoạt động tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng được tổ chức thường xuyên, đầy đủ hơn, kết nối bà con trong bản với nhau...

Ông Diệp Lâm Chính, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé chia sẻ: Với phương châm “Tôn trọng, quan tâm đến cuộc sống cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân...”, Ban Quản lý khu BTTN Mường Nhé đã khuyến khích, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư ở các bản vùng cao, biên giới hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ khi nhận giao đất, chăm sóc bảo vệ rừng. Hiện tổng diện tích rừng và đất rừng đặc dụng đã giao cho Ban Quản lý khu BTTN Mường Nhé quản lý là 45.581ha. Trong đó, rừng cung ứng DVMTR năm 2019 là 34.187,08ha. Hiện đơn vị đã giao khoán bảo vệ rừng cho 34 nhóm nhận khoán thuộc địa bàn 5 xã vùng đệm: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé, Nậm Kè với tổng diện tích 24.937,79ha. Ðơn vị tự tổ chức quản lý bảo vệ 9.249,29ha. Có thể khẳng định, việc giao khoán rừng cho cộng đồng thôn, bản, tổ chức… bảo vệ đã góp phần bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phát rừng làm nương rẫy và các vi phạm khác về rừng.

Ðặc biệt, để người dân yên tâm gắn bó với rừng thì một trong những điều cốt yếu là phải đảm bảo cho họ cuộc sống ổn định. Do vậy, công tác chi trả DVMTR được đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch về tài chính. Theo đó, hết tháng 4/2019, đơn vị đã hoàn thành việc thanh toán tiền công bảo vệ rừng còn lại của năm 2018 cho các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng với tổng số tiền gần 19,2 tỉ đồng. Tại thời điểm này, đơn vị đã tiến hành nghiệm thu xong bước cơ sở đối với toàn bộ diện tích cung ứng DVMTR; xây dựng văn bản đề nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng kiểm tra, làm cơ sở thanh toán tiền công bảo vệ rừng năm 2019. Việc hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Cùng với thực hiện tốt công tác chi trả DVMTR, Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé còn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chú trọng công tác tuần tra kiểm soát rừng và xử lý các trường hợp xâm phạm rừng trái phép. Hiện nay, Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé có 1 Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn và 4 trạm quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng. Thực hiện kế hoạch của Ban Quản lý, Hạt Kiểm lâm và các trạm bảo vệ rừng đặc dụng chủ động phối hợp với lực lượng dân quân, bộ đội biên phòng, các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức tuần tra lâm phần Khu BTTN; phòng cháy chữa cháy rừng.

Từ chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Mường Nhé đã góp phần mang lại cuộc sống mới, ổn định hơn cho người dân, cộng đồng dân cư, nhất là tạo thêm nguồn lực về tài chính bền vững để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ðặc biệt, đã hạn chế được tình trạng phá rừng, cháy rừng, xâm hại tài nguyên rừng, góp phần ổn định, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng cũng như phát triển diện tích rừng mới.