Ðảm bảo an toàn thị trường dịp tết

Thứ Tư 9:03 08/01/2020

ĐBP - Tết cổ truyền của dân tộc đang cận kề, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường Ðiện Biên tích cực vào cuộc kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa phục vụ Tết Canh tý 2020.

Cán bộ Ðội Quản lý thị trường TP. Ðiện Biên Phủ kiểm tra chất lượng hàng hóa tại Siêu thị Hoa Ba. Ảnh: Thanh Tâm

Ông Lò Ngọc Minh, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Ðiện Biên cho biết: Hiện tại về cơ bản hàng hóa trên thị trường đáp ứng đủ nhu cầu nhân dân; trên địa bàn tỉnh không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, gây mất ổn định thị trường. Ðội Quản lý thị trường các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt diễn biến thị trường; kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Ðến thời điểm này trên các tuyến biên giới hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa diễn ra bình thường; tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có xảy ra nhưng tính chất vụ việc không lớn. Ðối với thị trường nội địa tình hình gian lận thương mại, hàng kém chất lượng vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp; hành vi vi phạm chủ yếu trong các lĩnh vực: Kinh doanh hàng giả, vi phạm về an toàn thực phẩm là chủ yếu.

Nhằm đảm bảo thị trường hàng hóa an toàn, chất lượng phục vụ người dân trước, trong và sau tết Nguyên đán, Cục Quản lý thị trường Ðiện Biên đã triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm. Phân công cụ thể trách nhiệm về quản lý địa bàn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, xử lý các vi phạm. Ðảm bảo tối đa quân số thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Trước, trong và sau tết không giải quyết chế độ nghỉ phép cho cán bộ, công chức (trừ trường hợp đặc biệt). Lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm tra đối với các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, bia, rượu, bánh kẹo, thuốc chữa bệnh, xăng dầu. Ðặc biệt ưu tiên soát xét các kho hàng, đại lý, nhà phân phối lớn, các điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, cơ sở chế biến thức ăn chín, cơ sở nhập khẩu, chế biến thực phẩm đông lạnh… để ngăn chặn kịp thời hàng hóa không đảm bảo chất lượng phân phối ra thị trường. Ðồng thời kết hợp công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đến nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trực tiếp, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng... Các tổ, đội quản lý thị trường yêu cầu các cơ sở, tổng kho, hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không kinh doanh đồ chơi mang tính bạo lực, đặc biệt là pháo; phối hợp với các đoàn liên ngành kiểm tra vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, cửa hàng kinh doanh.

Ðối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đội quản lý thị trường các huyện phối hợp chính quyền địa phương tăng cường bám cơ sở, tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong tháng 12/2019, Cục quản lý thị trường đã kiểm tra 41 vụ, phát hiện xử phạt vi phạm hành chính 27 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước 24,5 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Vi phạm về giá, vi phạm an toàn thực phẩm...

Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đang được các lực lượng chức năng tăng cường để người dân đón tết cổ truyền đầm ấm, an toàn. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần chú ý, xem rõ xuất xứ hàng hóa, nhãn mác và chỉ mua những hàng hóa có thương hiệu tại các cơ sở uy tín.