Giá xăng, dầu thấp nhất trong 11 năm qua: Tiêu thụ vẫn khó khăn

Thứ Ba 9:17 31/03/2020

Lần đầu tiên trong vòng 11 năm qua (từ tháng 4-2009), giá bán lẻ xăng E5 RON92 và RON95 đều giảm mạnh về mức trên dưới 12.000 đồng/lít. Một trong những nguyên nhân khiến giá xăng, dầu ở mức thấp “kỷ lục” là nhu cầu sử dụng mặt hàng này giảm mạnh bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19 dẫn đến dư thừa nguồn cung…

Người dân mua xăng tại một cửa hàng xăng dầu của Petrolimex trên phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Hải Anh

Mặc dù theo kế hoạch, chiều 30-3 mới đến kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu, tuy nhiên để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, từ 15h ngày 29-3, liên bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu.

Theo đó, xăng E5 RON92 còn 11.950 đồng/lít và xăng RON95 là 12.660 đồng/lít... Đây đã là lần thứ 6 liên tiếp trong năm nay, xăng giảm giá, với mức giảm tổng cộng của xăng RON95 là 8.426 đồng/lít, xăng E5 RON92 là 7.925 đồng/lít. Hiện, giá bán lẻ xăng trong nước đang ở mức thấp nhất trong vòng 11 năm trở lại đây, kể từ tháng 4-2009.

Thông tin về giá xăng, dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nguồn cung xăng, dầu thế giới tăng nhanh, trong khi do tác động của dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng xăng, dầu giảm mạnh, như Trung Quốc thông báo cắt giảm 20-25% nhu cầu, đã đẩy giá mặt hàng này xuống thấp.

Với giá xăng, dầu trong nước, phương án điều hành của liên bộ bảo đảm phản ánh xu hướng của giá thành phẩm xăng, dầu thế giới, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Việc trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu ở mức hợp lý để có dư địa điều hành giá xăng, dầu trong những kỳ tiếp theo trong bối cảnh giá xăng, dầu đang có diễn biến khó lường.

Về lý thuyết giá xăng, dầu giảm mạnh sẽ có lợi cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu đi lại, vận chuyển trong nước cũng giảm mạnh nên thực tế cũng phải nhìn nhận doanh nghiệp vận tải - vốn tiêu thụ lượng lớn xăng, dầu sẽ ít được hưởng lợi.

Mặt khác theo ông Trần Duy Đông, khi sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 40% so với bình thường nên giá xăng, dầu giảm đã làm cho doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu gặp khó khăn. Do đó, trong điều hành giá vừa phải bảo đảm lợi ích chung cho người tiêu dùng nhưng cũng tính toán đến lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này.

Dưới góc độ đơn vị sản xuất, kinh doanh xăng, dầu, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thông tin, việc giá dầu thế giới giảm sâu, cộng với việc thị trường tiêu thụ chậm đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN. Hiện tồn kho xăng, dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn khoảng 70-85%. Tồn kho của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có xu hướng tăng nhanh khi các khách hàng lùi lịch nhận hàng do tình hình tiêu thụ khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Tiu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xăng dầu Tự Lực I (Hà Nội) cho biết thêm, dù giá xăng, dầu giảm, đồng thời doanh nghiệp phân phối còn tăng cả mức chiết khấu lên 2.000 đồng/lít nhưng lượng xăng, dầu tiêu thụ vẫn rất chậm.

Dự báo, trong vòng vài tuần tới, trữ lượng dầu thô trên thế giới sẽ dư thừa khoảng hơn 10 triệu thùng/ngày. Đây là mức dư thừa chưa từng có từ trước đến nay. Do đó, giá xăng, dầu thời gian tới vẫn trong xu hướng đi xuống. Tính đến đầu giờ sáng 30-3 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5-2020 ở mức 20,73 USD/thùng, giảm 0,78 USD/thùng so với hôm trước. Còn giá dầu Brent giao tháng 5-2020 ở mức 23,66 USD/thùng, giảm 1,27 USD/thùng.