Cơ giới hóa nông nghiệp ở Điện Biên

Thứ Sáu 14:02 21/08/2020

ĐBP - Cơ giới hóa sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân được huyện Điện Biên xác định là một trong những giải pháp thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.

Nông dân vùng lòng chảo Điện Biên sử dụng máy cày làm đất sản xuất vụ mùa. Ảnh: C.T.V

Là địa bàn có lợi thế trong sản xuất chuyên canh tập trung, với trên 22.000ha gieo trồng cây nông nghiệp, những năm qua huyện Điện Biên đã tập trung thực hiện áp dụng cơ giới vào sản xuất, như: Khuyến khích các hợp tác xã, hộ dân mạnh dạn đầu tư mua các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất; thực hiện tích tụ đất đai, xây dựng cánh đồng mẫu lớn... Vụ mùa năm 2018, huyện Điện Biên đã khuyến khích người dân thay đổi phương pháp xuống giống từ gieo sạ sang cấy bằng máy với chính sách hỗ trợ 50% kinh phí mua máy cấy kéo tay; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sử dụng máy, làm mạ và chăm sóc lúa. Từ vụ mùa năm 2018 đến nay, mô hình sử dụng máy cấy lúa kéo tay không động cơ đã được nhân rộng trên địa bàn các xã: Thanh Xương, Thanh Hưng, Thanh An, Thanh Yên, Noong Hẹt với diện tích hơn 150ha. Huyện đã hỗ trợ kinh phí cho người dân mua 31 máy cấy lúa kéo tay; vụ đông xuân 2019 - 2020, có thêm 14 hộ dân đăng ký hỗ trợ mua máy cấy.

Sau 3 vụ sản xuất sử dụng máy cấy đã cho thấy hiệu quả tích cực về môi trường, xã hội, kinh tế so với phương pháp gieo sạ. Sử dụng máy cấy mang lại hiệu quả tối ưu trong xử lý lúa lẫn trên đồng ruộng, giảm tỷ lệ lúa lẫn đến 80 - 90% so với ruộng gieo sạ; giảm 30% lượng giống gieo; thời gian làm đất được kéo dài, ruộng giữ nước lâu 10 - 15 ngày so với ruộng gieo sạ. Chi phí sản xuất giảm từ 20% - 25%, lãi thuần chênh lệch trên 10 triệu đồng/ha so với ruộng gieo sạ. Để khuyến khích người dân thay đổi cách thức sản xuất từ gieo sạ sang cấy máy, huyện Điện Biên tiếp tục bổ sung mức hỗ trợ đối với máy cấy lúa gắn động cơ là 6 triệu đồng/máy.

Hiện nay, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Điện Biên tăng đáng kể ở tất cả các khâu, từ làm đất, tưới tiêu đến thu hoạch, chế biến. Hàng năm, thông qua chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của các chương trình: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, khuyến nông... hàng trăm máy móc nông cụ đã được giao cho người dân. Nhờ đó, tỷ lệ cơ giới hóa tại các xã vùng lòng chảo Điện Biên đã đạt trên 90% trong khâu làm đất; trên 50% trong khâu thu hoạch.

Đối với các xã vùng ngoài tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp. Nguyên nhân do nhận thức, khả năng tiếp cận các loại máy móc cơ giới của nông dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, do địa hình không thuận lợi, sản xuất nông nghiệp còn mang tính nhỏ lẻ, ruộng đất manh mún, giao thông nội đồng hạn chế, nông dân thiếu vốn đầu tư máy móc… là những trở ngại làm chậm tốc độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đây là vấn đề được huyện Điện Biên xác định tập trung khắc phục trong thời gian tới nhằm thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã thực hiện đồng bộ các giải pháp: Dồn điền, đổi thửa; rà soát quy hoạch, chỉ đạo sản xuất các cây trồng chủ lực theo hình thức sản xuất tập trung; xây dựng chính sách hỗ trợ người dân mua máy móc, nông cụ sản xuất.